Ngoài xử phạt hành chính, cá nhân và công ty phá rừng, làm chết thông bị chính quyền thuộc tỉnh Lâm Đồng buộc phải trồng lại rừng trên diện tích đã phá.

pha rung lam dong
Diện tích rừng bị phá thuộc lâm phận của doanh nghiệp tư nhân Anh Hải (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm). (Ảnh: baolamdong.vn)

Trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã phá

Ngày 8/5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 162 triệu đồng đối với trường hợp cá nhân phá rừng tại tiểu khu 286A xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà.

Người vi phạm là ông Trần Bi (SN 1982, trú tại tổ dân phố Pốt Pe, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà). Theo cơ quan chức năng, ông Bi đã phá 4.186m2 rừng, thuộc nhóm rừng sản xuất, hiện trạng rừng lồ ô – gỗ, tại khu vực lô e, khoảnh 4, tiểu khu 286A nằm trên địa bàn xã Phúc Thọ (H. Lâm Hà, Lâm Đồng), gây thiệt hại lâm sản 1.354 cây lồ ô.

Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, ông Bi bị buộc phải trồng lại rừng trên diện tích rừng bị phá tại xã Phúc Thọ trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Trước đó, ngày 6/5, UBND TP Đà Lạt cho biết đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời buộc một công ty phải trồng lại số cây thông đã làm chết trong quá trình xây dựng khu biệt thự du lịch.

lam dong lam chet thong
Một trong những gốc thông 3 lá bị xây quây trong khu biệt thự, làm chết cây. (Ảnh: baolamdong.vn)

Công ty TNHH Tí Nị, đơn vị chủ dự án khu biệt thự du lịch (số 4 Khởi Nghĩa Bắc Sơn, TP Đà Lạt) bị xác định đã tự ý đổ vật liệu xây dựng, xây quây các gốc cây xanh, làm chết nhiều cây thông. Theo biên bản kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng, trong số cây xanh giao cho dự án khu biệt thự du lịch quản lý vào ngày 20/4, có 9 cây thông ba lá đường kính gốc thông từ 35 – 52cm, cao từ 17 – 20m bị xây quây kín gốc, bị chặt rễ đã chết khô.

UBND TP Đà Lạt phạt hành chính Công ty TNHH Tí Nị 25 triệu đồng và buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu và trồng lại 45 cây thông 3 lá cao từ 1,2 – 1,5 m trong khuôn viên dự án khu biệt thụ du lịch nói trên.

Ngày 29/4, doanh nghiệp tư nhân Anh Hải bị thu hồi toàn bộ diện 104,73 ha đất rừng, đất lâm nghiệp đã được giao để triển khai Dự án Quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng kết hợp chăn nuôi (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm).

Lý do thu hồi vì doanh nghiệp nàytriển khai dự án chậm tiến độ, triển khai không đúng giấy chứng nhận đầu tư; để rừng bị phá, đất bị lấn chiếm; sử dụng đất, rừng không đúng mục đích… Tại hiện trường hồi trung tuần tháng 3, có hai cá nhân bị bắt quả tang đang phá gần 1,9 ha rừng tại khoảnh 4, Tiểu khu 613 thuộc lâm phần do doanh nghiệp tư nhân Anh Hải quản lý.

Trong hơn 4 năm, mất hơn 200ha rừng

Chi Cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết trong quý 1/2022 đã xảy ra 57 vụ lấn, chiếm đất lâm nghiệp, tổng diện tích 192.022m2 (19,202ha); trong đó, đã giải tỏa 177.823m2 (chưa trồng rừng). So sánh cùng kỳ năm 2021, số vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp tăng 42 vụ (tương ứng tăng 100%), diện tích lấn, chiếm tăng 167.172m2 (tương ứng tăng 100%).

Tổng diện tích tái lấn, chiếm đất lâm nghiệp là 8 vụ, với diện tích 25.406m2 (2,540 ha), trong đó, đã giải tỏa 25.406m2 (đã trồng rừng 200 m2). So sánh với cùng kỳ năm 2021, số vụ tái lấn chiếm đất lâm nghiệp giảm 4 vụ (tương ứng giảm 33%), diện tích tái lấn, chiếm giảm 31.371m2 (tương ứng giảm 55%).

Chi Cục Kiểm lâm Lâm Đồng công bố thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, xử lý các vụ phá rừng, đồng thời, giải tỏa và trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm mới.

Tại công văn số 67/BC-UBND (ngày 14/4) báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết từ năm 2018 đến hết quý 1/2022, tổng cộng có 2.856 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp bị phát hiện, xử lý; trong đó, có 1.340 vụ việc chưa xác định được đối tượng vi phạm.

Tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 204,21 ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại do phá rừng là 12.240,5 m3; số vụ phá rừng có tính chất phức tạp, nổi cộm lên đến 147 vụ.

Về tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 1.410 vụ với tổng diện tích 431,8ha.

Theo chính quyền tỉnh, tại tỉnh Lâm Đồng hiện có 322 dự án của 307 doanh nghiệp được giao, cho thuê đất để triển khai dự án đầu tư, với tổng diện tích là 52.722 ha. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 208 dự án với 30.469ha.

Trong đó, có 172 dự án bị thu hồi toàn bộ (26.226ha) và 36 dự án bị thu hồi một phần (4.242ha) do chủ đầu tư vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Luật Lâm nghiệp. Có 260 doanh nghiệp phải thuê rừng; 49 doanh nghiệp được giao đất và rừng, tự bỏ vốn trồng rừng, diện tích đất thuê không có rừng.

Về việc phát triển rừng, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 3.206,75 ha rừng; trong đó, trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác 885,16 ha, trồng rừng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước 1.783,28 ha, trồng rừng từ nguồn vốn ngoài ngân sách 538,31 ha. Tổng diện tích chăm sóc rừng trồng giai đoạn 2018 đến nay là 10.910 ha.

Để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và đất lâm nghiệp như trên, UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng do lực lượng chức năng và đơn vị liên quan ở một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ, không thường xuyên tuần tra, thậm chí thiếu trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ.

Một số cán bộ và lực lượng bảo vệ rừng chưa làm tròn nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng… Các vụ gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên rừng chưa được điều tra rõ để xử lý những đầu nậu, đối tượng cầm đầu, các đường dây, đối tượng thông đồng, bảo kê cho hoạt động vi phạm.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp được thuê đất, thuê rừng chậm đầu tư dự án, thực hiện không đúng các hạng mục đầu tư được phê duyệt; để mất rừng; chưa chấp hành nghiêm việc nộp tiền bồi thường tài nguyên rừng đối với diện tích đất rừng bị phá.

Nguyễn Quân