Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Tổng cục Phòng chống thiên tai, trung bình mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 500ha đất do sạt lở. Sông bị xói mòn, đất bị sạt lở, dân phải di dời… từ 2018 – 2020, con số thiệt hại đã lên tới hơn 200 tỷ đồng tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau.

moi nam dbscl mat 500ha dat do sat lo
Một xà lan trọng tải khoảng 200 tấn đang khai thác cát trái phép bị phát hiện tại Đồng Tháp, tháng 9/2022. (Ảnh: congan.dongthap.gov.vn)

Vùng nông nghiệp trọng yếu với 500ha đất ‘biến mất’ mỗi năm 

Các thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm “Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông” do Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) phối hợp báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ, ngày 19/12.

Theo WWF Việt Nam, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL với hơn 18 triệu dân, là trung tâm của sản xuất nông nghiệp với mức đóng góp 31,37% GDP ngành nông nghiệp, 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những khu vực chịu tác động mạnh mẽ trước các vấn đề cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, xói mòn, sụt lún, sạt lở… Khoảng 66% đường bờ biển trên toàn vùng ĐBSCL đang có nguy cơ sạt lở. Đáng lưu ý, khai thác cát quá mức đã làm cho những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trở nên trầm trọng hơn.

Theo Báo cáo tham vấn của WWF Việt Nam và Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT), trung bình mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 500ha đất. Trong 3 năm, từ 2018 – 2020, sạt lở đã gây thiệt hại hơn 200 tỷ đồng tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau.

Tính riêng trong năm 2020, tỉnh An Giang có 53 điểm sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm với chiều dài trên 171.000m, khiến khoảng 20.000 hộ dân phải di dời. Tỉnh Đồng Tháp mất khoảng 329ha đất do sạt lở, phải di dời khoảng 8.000 hộ dân. Tại tỉnh Sóc Trăng, kể từ năm 2019, toàn tỉnh mất khoảng 2.212m chiều dài bờ sông. Dù nằm ở giữa đồng bằng, TP. Cần Thơ vẫn có tới 30 điểm sạt lở, 1.400m sông bị xói mòn, thiệt hại hơn 16 tỷ đồng.

Gần đây, hôm 5/12, vụ sạt lở dài khoảng 350m, rộng khoảng 160 m ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã làm 22 hộ dân với 109 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó có 12 căn nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông.

Theo thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT đến cuối năm 2021, ĐBSCL có 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 610km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 147 điểm với chiều dài 127km, sạt lở nguy hiểm có 137 điểm với chiều dài 193km.

Việc khai thác cát quá mức cũng làm gia tăng độ sâu lòng sông. Giai đoạn 1998-2008, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 1,5m; trong giai đoạn 2009-2016, độ sâu này tăng thêm 5-10m và kéo theo 66% đường bờ biển của ĐBSCL bị xói mòn.

Hút cát – ‘hút’ vùng đất sống

Theo WWF Việt Nam, nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở nói trên là do khai thác nước ngầm quá mức, việc xây dựng hàng loạt các đập thủy điện ở thượng nguồn, đặc biệt là việc khai thác cát sông ngày càng tăng.

Ông Hà Huy Anh, người quản lý dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL thuộc WWF Việt Nam cho hay khối lượng cát đổ về ĐBSCL từ 6,18-7 triệu tấn/năm, khoảng 6,5 triệu tấn cát đổ ra Biển Đông. Trong khi đó, lượng cát được khai thác từ các con sông ở khu vực này là từ 28-40 triệu tấn/năm. Điều này có nghĩa mỗi năm ĐBSCL bị thâm hụt từ 27,5-39,5 triệu tấn cát.

Ông Huy Anh khẳng định việc khai thác cát không bền vững đang tác động không nhỏ đến hình thái của 2 dòng sông chính ở khu vực ĐBSCL là sông Tiền và sông Hậu.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia môi trường sinh thái ĐBSCL cho biết cát di chuyển từ thượng nguồn, trải qua mấy ngàn cây số và hàng chục năm để về đến ĐBSCL. Cát là vật liệu nặng, di chuyển ở đáy sông và chỉ di chuyển khi có dòng nước lũ mạnh cuốn đi. Thực tế trên sông Mekong, cát di chuyển về hạ lưu trong 3 tháng đầu mùa lũ, cụ thể là tháng 7, 8 và 9, với hành trình từ 100 – 200 km/năm tùy theo dòng nước lũ lớn hay nhỏ. Đến tháng 10, hành trình này sẽ dừng lại, chờ đến mùa lũ năm sau cát sẽ tiếp tục trôi xuôi.

Ngoài đặc tính của cát, các đập thủy điện trên phía thượng nguồn đã làm giảm lượng cát di chuyển xuống hạ lưu và trong tương lai, số lượng thủy điện được xây dựng sẽ còn tăng. Trong các thập kỷ vừa qua, việc xây dựng tràn lan các đập thủy điện dọc sông Mekong, đặc biệt khi các đập thủy điện cũ không được thiết kế để cho phép trầm tích lưu thông từ thượng nguồn về hạ lưu, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do dòng chảy và vận chuyển trầm tích.

Ông Thiện nhấn mạnh với việc khai thác cát không bền vững như hiện nay, tương lai nguồn cát trên sông Mekong sẽ cạn kiệt.

Hiện nhu cầu sử dụng cát cho quá trình đô thị hoá và công trình giao thông ở cả 13 tỉnh, thành ĐBSCL vẫn gia tăng từng ngày.

ĐBSCL đang chuẩn bị khởi công một số công trình giao thông trọng điểm như các cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, An Hữu – Cao Lãnh, Mỹ An – Cao Lãnh, hay dự án đường vành đai phía Tây Cần Thơ vừa khởi công. Những dự án này cần đến gần 40 triệu m3 cát. Cần Thơ đang tính đến phương án nhập cát từ Campuchia.

Xây dựng “ngân hàng cát” và tìm nguồn vật liệu thay thế

Ông Huy Anh cho hay kết quả khảo sát từ mùa khô năm 2022 cho thấy lượng cát ghi nhận tại Tân Châu – An Giang – khu vực có lượng cát đổ về lớn nhất khu vực ĐBSCL – chỉ còn khoảng 30m3/năm/m ngang sông, bằng khoảng 15-20% lượng cát đổ về ĐBSCL cách đây 30 năm.

Kết quả đo đạc cũng cho biết phù sa Mekong đổ về sông Hậu mùa này chủ yếu là bùn hữu cơ, chỉ ở sông Tiền mới có cát đổ về do nằm liền dòng chính Mekong.

Bên cạnh đó, độ sâu của sông Tiền và sông Hậu năm 2008 đã tăng thêm 1,3m so với thời điểm năm 1998, tương đương 90-110 triệu m3 trầm tích bị giảm đi từ lòng sông. Nhưng từ năm 2008 đến 2016, độ sâu của sông Tiền và sông Hậu diễn ra nhanh hơn, trung bình sâu thêm 3-7m. Điều này cho thấy trầm tích đang bị lấy đi khỏi lòng sông ngày càng nhiều so với giai đoạn 1998-2008.

Riêng kết quả đợt khảo sát vào mùa mưa vừa qua, đến tháng 4/2023, WWF Việt Nam sẽ công bố.

Theo ông Huy Anh, kết quả các đợt khảo sát này là dữ liệu quan trọng để xây dựng “Ngân hàng cát” cho cả vùng ĐBSCL, qua đó sẽ đưa ra các cảnh báo ở mức “đỏ” về những địa điểm không được khai thác cát do sạt lở nghiêm trọng và khu vực được khai thác với khối lượng cụ thể. Việc khai thác cát thay vì dựa trên trữ lượng cát ở đáy sông, cần dựa trên cân bằng của “ngân hàng cát” để hạn chế rủi ro về kinh tế, xã hội, môi trường.

Ông Trần Tuấn Anh, Nghiên cứu viên của Trung tâm chẩn chỉnh Sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) cho biết dù hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL hiện nay là không bền vững, việc ngưng khai thác cát ngay lập tức là không khả thi bởi cát sông là đầu vào quan trọng cho việc xây dựng cao tốc, tỉnh lộ, san lấp mặt bằng cho cá dự án nhà ở, khu công nghiệp… để phát triển nền kinh tế của vùng.

Việc xây dựng “ngân hàng cát” để các địa phương tiến hành khai thác cát phù hợp nhằm phát triển hạ tầng ở ĐBSCL mà không làm trầm trọng thêm vấn đề sạt lở của vùng.

“WWF sẽ tính toán được lượng cát chuyển về ĐBSCL là bao nhiêu, lượng cát khai thác thông qua xử lý hình ảnh bằng vệ tinh… lượng cát khai thác một năm là bao nhiêu, lượng cát đổ ra biển bao nhiêu, tính toán được cân bằng cho toàn đồng bằng là bao nhiêu. Như vậy sẽ cung cấp cho các tỉnh một con số đáng tin cậy để có thể xem xét lại kế hoạch khai thác cát của mình hiện tại cho từng năm, từ năm 2021 cho đến 2025 là có phù hợp với con số đó hay không”, theo ông Huy Anh.

Về giải pháp phát triển vật liệu thay thế cát sông, ông Hoàng Việt, Giám đốc dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL cho rằng đây là vấn đề còn mới ở Việt Nam. Vật liệu thay thế cát sông phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam là cát nghiền từ đá vôi, đá granite để sản xuất bê tông đúc hoặc để xây dựng đập ở các công trình thủy điện. Một số doanh nghiệp ở TP.HCM đang sử dụng thạch cao thay cát để trát tường hoặc sử dụng xốp đặc biệt thay một phần cát để đổ bê tông trần nhà cao tầng.

Việc khai thác cát ngoài khơi cần cân nhắc vì sự ổn định của bờ biển, xói mòn và các vấn đề về mất da dạng sinh học. Nhiều nước đã cấm khai thác cát ngoài khơi. Hơn nữa, cát biển phải được rửa mặn trước khi sử dụng nếu không sẽ gây ăn mòn bê tông.

Vĩnh Long