Theo Tổ chức Greenpeace Đông Nam Á và Greenpeace Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức tài chính công trong nước đang xuất khẩu ô nhiễm sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, thông qua hoạt động đầu tư vào các nhà máy điện than ở những nước này; ước tính sẽ gây ra tổng cộng 150.000 đến 410.000 ca tử vong sớm đáng lẽ có thể tránh được. 

Tại Việt Nam, số ca tử vong ước tính lên đến con số 1223 nếu các dự án nhiệt điện than do Nhật Bản đầu tư làm theo giới hạn phát thải của Việt Nam, thay vì chỉ 134 ca tử vong nếu theo giới hạn phát thải của Nhật Bản. Số ca tử vong dự báo cao gấp 9 lần, tức cứ 9 ca tử vong thì 8 ca lẽ ra có thể tránh được.

nhiet dien vinh tan, nhiệt điện than
Làng chài Phước Thể ở Tuy Phong, Bình Thuận, chung một vùng biển với Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. (Ảnh: Thủy Minh)

Kết quả nghiên cứu do tổ chức Greenpeace Đông Nam Á và Greenpeace Nhật Bản công bố, cho biết từ tháng 1/2013 đến tháng 5/2019, các tổ chức tài chính công của Nhật Bản, như Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Bảo hiểm Xuất khẩu Nhật Bản (NEXI), đã đầu tư 16,7 tỷ USD vào các nhà máy điện than ở nước ngoài.

Báo cáo cho hay mặc dù tiêu chuẩn quốc gia về phát thải của nhiệt điện than ở Nhật Bản khá phức tạp, nhưng giới hạn phát thải được quy định trong giấy phép môi trường áp dụng với các dự án nhiệt điện than mới rất nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, phần lớn các dự án điện than do Nhật Bản đầu tư ở nước ngoài đều áp dụng công nghệ kiểm soát phát thải của nước sở tại thấp hơn nhiều so với công nghệ kiểm soát phát thải áp dụng tại Nhật Bản.

Điều này có nghĩa Nhật Bản đang đầu tư vào các nhà máy điện than ở nước ngoài, với mức độ gây ra ô nhiễm không khí ở mức không thể chấp nhận được ở Nhật Bản – theo nội dung báo cáo.

“Nếu các tiêu chuẩn không phù hợp với Nhật Bản thì cũng không phù hợp với Indonesia”, ông Tata Mustasya, Điều phối viên Chương trình Khí hậu và Năng lượng, Greenpeace Đông Nam Á, nói. “ Chính phủ các nước sở tại, nơi có các dự án điện than do Nhật Bản đầu tư cần bảo vệ người dân bằng cách đặt ra những tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn và nhanh chóng chuyển dịch từ điện than sang năng lượng tái tạo.”

Báo cáo của Greenpeace Đông Nam Á và Greenpeace Nhật Bản sử dụng từ “tiêu chuẩn kép” để biểu thị về điều này. 17 nhà máy điện than do các tổ chức tài chính công của Nhật Bản đầu tư từ tháng 1/2013 đến tháng 5/2019 chủ yếu tập trung ở 5 quốc gia nhận vốn đầu tư của Nhật nhiều nhất, gồm Indonesia, Việt Nam, Bangladesh, Morocco và Ấn Độ.

Kết quả nghiên cứu cho biết nếu áp dụng giới hạn phát thải trung bình của Nhật Bản tại tất cả các nhà máy điện than do Nhật Bản đầu tư ở nước ngoài, thì ước tính mỗi năm có thể tránh được khoảng 5.000-15.000 ca tử vong sớm. Nếu tính trong cả vòng đời 30 năm của dự án thì con số có thể tránh được từ 17 nhà máy điện than sẽ lên đến 148.000-410.000 ca tử vong sớm.

Theo báo cáo của Greenpeace Đông Nam Á và Greenpeace Nhật Bản, phần lớn số ca tử vong sớm sẽ  xảy ra ở Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Bangladesh,

nhiệt điện than, tử vong do nhiệt điện than, ô nhiễm nhiệt điện than
(Nhấp vào hình để phóng lớn) Ước tính số ca tử vong sớm/năm theo giới hạn phát thải của nước sở tại và giới hạn phát thải của Nhật Bản, ở các nước do Nhật Bản đầu tư nhiệt điện than. (Nguồn: Greenpeace Đông Nam Á, Greenpeace Nhật Bản)

và ở cả các nước láng giềng của các quốc gia này, như Trung Quốc, Nepal, Campuchia, Myanmar…

nhiệt điện than, tử vong do nhiệt điện than, ô nhiễm nhiệt điện than
(Nhấp vào hình để phóng lớn) Ước tính số ca tử vong sớm/năm theo giới hạn phát thải của nước sở tại và giới hạn phát thải của Nhật Bản, ở các nước láng giềng của nước nhận đầu tư. (Nguồn: Greenpeace Đông Nam Á, Greenpeace Nhật Bản)

Tại Việt Nam, các dự án nhiệt điện than do Nhật Bản đầu tư từ tháng 1/2013 đến tháng 5/2019 như Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Thái Bình 2, Nghi Sơn 2, Vân Phong 1.

Ước tính 1223 ca tử vong sẽ xảy ra theo giới hạn phát thải của Việt Nam, so với chỉ 134 ca tử vong nếu các dự án theo giới hạn phát thải của Nhật Bản.

Theo kết quả phân tích trên cơ sở mô hình hóa của Greenpeace Đông Nam Á và Greenpeace Nhật Bản, việc áp dụng tiêu chuẩn kép về giới hạn phát thải cho phép các nhà máy nhiệt điện do Nhật Bản đầu tư ở nước ngoài thải ra lượng khí ôxit nitơ (NOx) cao gấp 13 lần, lưu huỳnh điôxit (SO2) cao gấp 33 lần và lượng bụi cao gấp 40 lần so với các nhà máy được xây dựng ở Nhật Bản.

Khoảng 3,3 triệu người sẽ phải tiếp xúc với mức lưu huỳnh điôxit ( SO​2​) nguy hiểm từ các nhà máy điện than vận hành theo giới hạn phát thải của các nước sở tại.

Theo dự báo, phần lớn các ca tử vong sớm do hoạt động đầu tư của Nhật Bản vào các nhà máy điện than sẽ xảy ra tại Ấn Độ (160.000 trường hợp), Indonesia (72.000), tiếp đó là Việt Nam (36.000) và Bangladesh (14.000) trong vòng đời hoạt động 30 năm của những nhà máy này do tiếp xúc với bụi mịn (PM 2.5​) và ôxit nitơ (NO​x​) trong thời gian dài.

“Chính phủ Nhật Bản cần yêu cầu ngay các tổ chức tài chính công của quốc gia này dừng đầu tư vào các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài sử dụng giới hạn phát thải không được cho phép ở Nhật Bản. Bằng việc chấm dứt tiêu chuẩn kép nguy hiểm này, hàng nghìn người sẽ được cứu sống” – Greenpeace Đông Nam Á và Greenpeace Nhật Bản khuyến nghị, đồng thời yêu cầu Chính phủ đảm bảo các tổ chức này chuyển sang đầu tư vào các giải pháp năng lượng tái tạo hơn là phát triển điện than.

Đối với các nước sở tại, Greenpeace Đông Nam Á và Greenpeace Nhật Bản cho rằng các chính phủ cần bảo vệ quyền được sống trong môi trường
an toàn và trong lành của người dân, bằng việc thắt chặt các tiêu chuẩn phát thải đối với các nhà máy điện than đang hoạt động, song hành với chuyển dịch từ than sang năng lượng tái tạo.

“Việc thay đổi chính sách và hoạt động đầu tư này cần được thực hiện ngay vì sức khỏe con người và môi trường cũng như để bảo vệ tương lai hành tinh của chúng ta.” – theo ông Tata.

Bà Hanna Hakko – Chuyên viên năng lượng cao cấp của Tổ chức Greenpeace Nhật Bản nhận định: “Nhật Bản có thể trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhưng điều này đòi hỏi Nhật Bản cần chấm dứt xuất khẩu công nghệ điện than gây ô nhiễm.” 

Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong khối G7 vẫn đẩy mạnh xây dựng các nhà máy điện than mới trong nước cũng như ở nước ngoài, đồng thời đứng thứ 2 trong khối G20 về đầu tư công cho các dự án điện than ở nước ngoài.

Tham khảo báo cáo tại đây:

https://storage.googleapis.com/planet4-japan-stateless/2019/08/40364dd9-vietnamese_double-standard_executive-summary.pdf – Tiếng Việt

https://storage.googleapis.com/planet4-japan-stateless/2019/08/d8d87182-double_standard_report_a4_web.pdf – Tiếng Anh

Vĩnh Long

Xem thêm: