Nghe lời một người tự xưng là cán bộ điều tra, một phụ nữ ở Hà Nội đã cài đặt ứng dụng (app) “Bộ Công an” và bị rút mất 6,1 tỷ đồng trong tài khoản.

app bo cong an gia mao
Giao diện của app gián điệp mang tên “Bộ Công an”. (Hình ảnh: bocongan.gov.vn)

Ngày 31/1, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho hay đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản giả danh cán bộ công an, với số tiền lên tới 6,1 tỷ đồng theo trình báo.

Theo thông tin do công an công bố, ngày 26/1, Công an quận Đống Đa tiếp nhận đơn trình báo của chị M. (trú tại Hà Nội), trong đó cho hay đã nhận được một cuộc điện thoại từ một người tự xưng là cán bộ điều tra. Người này thông báo đang điều tra về vụ án ma tuý liên quan đến chị M. và yêu cầu bị hại kê khai số tiền trong các tài khoản ngân hàng.

Sau đó, chị M. được yêu cầu đổi sang dùng điện thoại hệ điều hành Android.

Lấy lý do “nhằm bảo mật thông tin tài khoản”, người gọi đến tiếp tục yêu cầu chị M. tải và cài đặt ứng dụng (app) mang tên “Bộ Công an” (vn84app.apk), có ảnh hiển thị là Công an hiệu.

Sau khi cài đặt xong, chị M. tiếp tục được hướng dẫn điền thêm các thông tin hiển thị trên app, gồm: tên đăng nhập, mật khẩu, tài khoản ngân hàng, họ tên, số chứng minh nhân dân (căn cước công dân)…

Khi đăng nhập các thông tin cá nhân và mã OTP tài khoản ngân hàng, 6,1 tỷ đồng trong tài khoản của chị M. bị rút. Lúc này, chị M. mới biết bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

app bo cong an gia mao 1
Sau khi các nạn nhân điền thông tin hiển thị trên App giả mạo như trên, các thông tin này sẽ được chuyển về máy chủ do các đối tượng quản lý và điện thoại bị chiếm quyền kiểm soát. (Hình ảnh: bocongan.gov.vn)

Theo Công an quận Đống Đa, “vn84app.apk” phần mềm gián điệp. Sau khi được cài đặt lên các thiết bị thông minh, các tập tin mã độc này sẽ nghe lén cuộc gọi, đánh cắp dữ liệu, danh bạ điện thoại, tin nhắn của người dùng, trong đó có cả tin nhắn thông báo số dư tài khoản ngân hàng, mã OTP đăng nhập Internet Banking. Các thông tin thu thập sẽ được gửi đến máy chủ điều khiển ở nước ngoài.

Công an TP Hà Nội khuyến cáo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tuyệt đối không truy cập vào các phần mềm giả mạo này, trường hợp đã tải tệp tin “vn84app.apk” thì cần nhanh chóng gỡ bỏ, xóa tệp tin mã độc để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trong một thông báo vào đầu tháng 12/2020, Bộ Công an Việt Nam cho biết hiện nay, Bộ Công an chưa xây dựng và triển khai hệ thống app trên ứng dụng điện thoại thông minh. Trang thông tin chính thức của Bộ Công an là Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an chỉ sử dụng 2 tên miền chính thức là: mps.gov.vn và bocongan.gov.vn, mọi tên miền khác nhân danh Bộ Công an đều là giả mạo.

Nếu người dùng điện thoại hệ điều hành Android đã cài đặt App giả mạo “Bộ Công an” nêu trên cần nhanh chóng kiểm tra, thông báo ngay cho ngân hàng qua tổng đài hỗ trợ 24/7 và trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý.

Bộ Công an cũng cho biết đã có hàng chục bị hại tại các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Huế, Tuyên Quang, Nghệ An, An Giang, Đắk Lắk… bị các đối tượng trộm cắp, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng qua thủ đoạn trên.

Đã có vụ việc các đối tượng âm thầm theo dõi nội dung tin nhắn, tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng ký các dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại ra nước ngoài. Các tin nhắn chứa mã OTP, các cuộc điện thoại xác nhận của nhân viên ngân hàng đều bị phần mềm gián điệp chuyển trực tiếp cho các đối tượng. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc tiền trong tài khoản bị rút mà chủ thẻ không nhận ra.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: