Hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong mùa khô 2020-2121 được dự báo có khả năng đến sớm và gay gắt hơn mùa khô 2019-2020.

han man DBSCL
Huyện Tân Trụ, tỉnh Long An trong đợt hạn mặn trầm trọng đầu năm 2020. (Ảnh: baolongan.vn)

Mưa đến muộn, dòng chảy về ĐBSCL thấp hơn cùng kỳ năm 2015, 2019

Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ TN-MT) (1) cho biết sau đợt hạn mặn khốc liệt năm 2020, bước vào mùa lũ, lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mekong vẫn tiếp tục bị sụt giảm. Từ đầu tháng 6 đến thời điểm ngày 20/9, tổng lượng mưa khu vực thượng nguồn Trung Quốc thấp hơn so với TBNN khoảng 25% và cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 10%.

Trên sông Mekong , tổng lượng mưa ở vùng thượng lưu ở mức cao hơn TBNN và năm 2019 từ 10-25%, ở vùng trung, hạ lưu phổ biến thấp hơn TBNN và năm 2019 từ 25-45%.

Tại khu vực ĐBSCL, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 10-40%.

Do mùa mưa năm 2020 trên lưu vực sông Mekong xuất hiện muộn, tổng lượng mưa trên toàn lưu vực ở mức thấp nên dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa lũ đến nay ở mức rất thấp so với TBNN và thấp hơn cùng kỳ năm 2015, 2019 (mùa mưa trước khi xảy ra hai mùa khô kỷ lục 2016 và 2020 – chú thích).

Trên sông Cửu Long, mực nước cao nhất vùng đầu nguồn thấp hơn TBNN từ 1,15-2m, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 từ 1,05-1,65m và năm 2015 từ 0,1-0,45m.

Lượng dòng chảy qua trạm thủy văn Tân Châu, Châu Đốc từ tháng 6 đến tháng 8/2020 đều thấp hơn 31-49% so với TBNN, thấp hơn 6-20% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn từ 10-36% so với cùng kỳ năm 2019.

Mực nước đầu mùa lũ cũng ở mức thấp hơn TBNN từ 0,2-1,6 m và thấp hơn mức lũ cấp 1 tới 1,7m. Tổng lượng dòng chảy vào ĐBSCL tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc từ tháng 6 đến nay chỉ bằng 55% giá trị TBNN, nghĩa là thiếu tới 65 tỷ m3.

Đầu tháng 8/2020, Ủy hội sông Mekong (MRC) kêu gọi các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong giải quyết tình trạng lưu lượng nước trên sông Mekong ở mức thấp kỷ lục trong năm thứ hai liên tiếp (2).

Một báo cáo của MRC cho rằng mực nước thấp trong 2 năm qua của sông Mekong là do lượng mưa giảm và hoạt động của 13 đập thủy điện, gồm 11 đập ở Trung Quốc và 2 đập ở Lào, cũng như các đập trên các nhánh của sông Mekong tại Lào. Ngoài ra, sông Mekong cũng chảy qua Myanmar. Báo cáo cũng chỉ ra rằng lưu lượng nước thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cộng đồng dân cư ở các nước thành viên do mất nguồn thủy sản và năng lực tưới tiêu.

Dòng chảy từ sông Mekong đổ ngược về Biển Hồ (Campuchia) tới đầu tháng 8 mới chảy về (chậm 2 tháng so với lịch thường niên vào tháng 6), làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động đánh bắt cá và đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm của hơn một triệu người.

“Chúng tôi kêu gọi sáu quốc gia thuộc tiểu vùng Mekong tăng cường chia sẻ dữ liệu và thông tin về các hoạt động đập và cơ sở hạ tầng nước của họ một cách minh bạch và nhanh chóng với MRC” – ông An Pich Hatda, Trưởng ban thư ký MRC đưa ra lời kêu gọi.

Sáu quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm, gay gắt

Hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL trong mùa khô 2020-2121 được dự báo có khả năng đến sớm và gay gắt hơn mùa khô 2019-2020.

Tại cuộc họp vào trung tuần tháng 9/2020 tại tỉnh Bến Tre (3), Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo mùa khô năm 2020-2021 xâm nhập mặn sẽ đến từ đầu tháng 1/2021, rất nặng và nghiêm trọng với chiều dài xâm nhập mặn cửa sông 4g/l: 60-70km, các vùng ven biển thiếu nước ngọt từ tháng 1 đến tháng 3/2021.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo từ giữa tháng 9/2020 đến tháng 3/2021, tại ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 5 đợt triều cường cao (các ngày 18-21/9, 15-19/10, 14-18/11, 13-17/12, 13-16/1/2021), với độ cao triều cường có thể chạm mốc kỷ lục vào ngày 18/10/2020 trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng sẽ gây ngập lụt cho khu vực ven biển Nam Bộ. Triều cường kết hợp với lượng dòng chảy thấp khiến xâm nhập mặn có thể tới sớm hơn.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo thời gian xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện sớm từ khoảng đầu tháng 12/2020, trong đó xâm nhập mặn cao tập trung vào tháng 2/2021 (từ ngày 10-14/2, từ 24-28/2), tháng 3 (từ 12-16/3, từ 25-29/3); riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3, tháng 4 (từ 10-14/4, từ 24-28/4).

Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo khí quyển khả năng chuyển sang trạng thái sang pha lạnh (La Nina) vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nên lượng mưa trong các tháng mùa khô tại vùng ĐBSCL có khả năng cao hơn TBNN và xuất hiện các đợt mưa trái mùa. Nếu điều này xảy ra, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có khả năng ít khốc liệt hơn năm 2019. (1)

Mặc dù vậy, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 được cảnh báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diện tích trồng cây ăn trái ở ĐBSCL, đặc biệt tại các huyện: Thủ Thừa, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc (Long An); huyện Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông (Tiền Giang); Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Chợ Lách (Bến Tre); huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Tam Bình (Vĩnh Long); huyện Trà Cú, Châu Thành (Trà Vinh)…

Vĩnh Long (T/h)

Chú thích:

  1. https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/co-the-co-mua-lu-thap-nhat-trong-vong-10-nam-qua-617954/
  2. https://www.reuters.com/article/us-mekong-river-idUSKCN2530C2
  3. https://www.bentre.gov.vn/Pages/TinTucSuKien.aspx?ID=26689&InitialTabId=Ribbon.Read

Xem thêm: