Theo Bộ GD&ĐT, năm 2021, dịch COVID-19 đã khiến gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp.

hoc snh tphcm hoc truc tuyen
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2021, dịch COVID-19 đã khiến gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Ngày 14/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Theo Bộ GD&ĐT, năm 2021, ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đã khiến cho kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi.

Đa số các địa phương trên cả nước phải chuyển sang dạy và học trực tuyến để phòng dịch. Gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong thời gian dài.

Tính đến ngày 9/1, cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy và học trực tiếp cho tất cả các học sinh, 35 tỉnh thành dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến và 19 tỉnh, thành dạy trực tuyến kết hợp với dạy qua truyền hình.

Các cơ sở giáo dục đại học cũng tổ chức cho sinh viên học tập trực tuyến. Tuy nhiên, do tác động của dịch đã khiến hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.

Theo đánh giá của Bộ, năm 2021, ngành giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế như các quy định hướng dẫn triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 còn mang tính ứng phó tạm thời; nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến; việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn; việc thực hiện tự chủ đại học còn chưa thống nhất và đồng bộ dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng…

7.500 HS tiểu học ở TP.HCM chuyển về quê: Phần lớn là con em công nhân, NLĐ tự do

Trước đó, hồi tháng 9/2021, tại báo cáo về “tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới”, Bộ GD&ĐT liệt kê những khó khăn chồng chất trong việc tổ chức dạy học trực tuyến như: hệ thống đường truyền Internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập.

Theo Bộ giáo dục, TP.HCM thống kê sơ bộ còn thiếu 77.000 máy tính để học trực tuyến; An Giang có khoảng 50% học sinh tiểu học, 20 – 30% học sinh THCS, THPT thiếu thiết bị học trực tuyến; Sơn La có gần 70% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, 1.635 thôn/bản/khu vực nơi ở của học sinh không có mạng Internet; Ninh Thuận có trên 70% học sinh tiểu học, trên 30% học sinh THCS, THPT chưa có thiết bị học trực tuyến…

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.

Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này, do đó có một số tỉnh lùi thời gian học đối với cấp tiểu học như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu.

Nhiều giáo viên thiết kế bài giảng trực tuyến theo cách làm cũ, thời gian tiết học dài làm ảnh hưởng đến tâm lý và sự tập trung học tập của học sinh…

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn hôm 11/11, ông Sơn cho biết thực tế có 1,8 triệu học sinh (không phải 1,5 triệu như thống kê hồi đầu năm học) không có bất kỳ thiết bị nào để học trực tuyến. Nhiều gia đình có hai, ba anh chị em chỉ có một điện thoại để học. “Trước khi quan tâm đến chất lượng, chúng ta cần quan tâm những cháu không có thiết bị trong tay, đang dần dần bỏ học, điều đó quan trọng nhất”, ông Sơn nói.

Một số tỉnh thành đồng ý để học sinh đi học trở lại

Tại Hà Nội, nhiều trường thuộc quận Hai Bà Trưng, Tây Hồ và huyện Thanh Trì đã mở cửa trường học, để học sinh trở lại trường.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội gửi thông báo, yêu cầu các trường tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch COVID-19. Theo đó, những nơi cấp độ 3 cho học sinh lớp 9 và 12 dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Nếu chuyển về cấp độ 2, học sinh khu vực đó được trở lại trường.

Dự kiến, sau kỳ nghỉ Tết âm lịch 2022, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đề xuất để học sinh từ khối lớp 7 đến 12 đi học trở lại 100% ở tất cả 30 quận, huyện.

Tại TP.HCM, giới chức TP đã quyết định ban hành kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non.

Theo đó, từ tháng 2/2022 đến tháng 7/2022, trẻ em đến trường tham gia các hoạt động trực tiếp theo “tinh thần tự nguyện của cha mẹ hoặc người chăm sóc”. Thời gian kết thúc năm học dự kiến vào ngày 29/7/2022.

Tại Tây Ninh, ngày 12/1, UBND tỉnh đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT về việc để học sinh lớp 9 và 12 trở lại trường học trực tiếp từ 17/1.

Tại Cần Thơ, ngày 12/1, tỉnh đã thông báo cho học sinh từ mầm non đến THPT đi học trở lại từ ngày 17/1. Học sinh THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên học trực tiếp tại trường một buổi/ngày kết hợp học trực tuyến.

Tại Đồng Tháp, thí điểm cho học sinh lớp 9 và lớp 12 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 17/1.

Tại Trà Vinh, đại diện Sở GD&ĐT cho biết, từ ngày 13 – 26/1, tỉnh sẽ tập trung học sinh cấp THCS và cấp THPT đến trường học trực tiếp để ôn tập, kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học 2021-2022.

Dự kiến, Sở sẽ tiếp tục cho học sinh bậc tiểu học đến trường học trực tiếp từ ngày 17 đến 26/1.

Văn Duy

Xem thêm:

Đang học online, bé trai 9 tuổi ở Hà Nội bị điện giật tử vong