Tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, có tổ chức, xuyên quốc gia, và nạn nhân phải gánh chịu rất nhiều hệ quả rất nặng nề như bị cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể…, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. 

nan nhan mua ban nguoi phu nu tre em ma ca nam gioi tre so sinh bao thai noi tang
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên giải trình. (Ảnh: quochoi.vn)

Tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia

Ngày 8/5, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Phát biểu mở đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thời gian gần đây, tình hình tội phạm mua bán người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng, không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng,…

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán người diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia, trên không gian mạng, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng mua và bán, có cả đối tượng ở trong nước và ngoài nước; xuất hiện nhiều đường dây phạm tội với thủ đoạn mới và nạn nhân phải gánh chịu rất nhiều hệ quả rất nặng nề như bị cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể…

Tại báo cáo tóm tắt ý kiến nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2018-2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa dẫn báo cáo của Bộ Công an cho biết trong kỳ báo cáo, cả nước đã phát hiện 440 vụ, với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, 1.240 nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán.

Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an đã thụ lý 560 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến mua bán người; khởi tố 389 vụ/808 bị can. Tuy nhiên, số lượng các vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với tình hình thực tế.

Tổng cộng có 352 nạn nhân được giải cứu và phối hợp giải cứu; tiếp nhận, xác minh 545 nạn nhân từ nước ngoài trở về.

Mua bán thai nhi, mua bán nam giới, lấy nội tạng

“Mua bán người ở trong nước và mua bán nam giới có xu hướng tăng. Đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá” – bà Hoa nói và cho hay ở mội số nơi nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tinh vi các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát.

Đáng chú ý, Thường trực Ủy ban Tư pháp đánh giá thời gian qua tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với nước ngoài, được thực hiện bởi các đối tượng chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội phạm mua bán người.

Hiện tại xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với các thủ đoạn như “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp trên nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn.

nan nhan mua ban nguoi phu nu tre em ma ca nam gioi tre so sinh bao thai noi tang 0
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc (Ảnh: quochoi.vn)

Ngoài ra, theo báo cáo, thủ tục đơn giản trong việc kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân… cũng bị lợi dụng để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bức lao động, cưỡng bức mại dâm, ép thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản……

Đáng chú ý, quy định về hiến, ghép tạng bị lợi dụng khi các nhóm tội phạm tìm gặp những nạn nhân khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán nội tạng, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó bán cho người bệnh với giá cao.

Cụ thể, tại báo cáo của Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết trong các vụ án liên quan mua bán người vừa qua có 744 nạn nhân là nữ, 275 nạn nhân nam, 841 nạn nhân trên 16 tuổi và 178 nạn nhân dưới 16 tuổi.

Về mục đích phạm tội, có 19 vụ liên quan bóc lột tình dục, 132 vụ cưỡng bức lao động, 4 vụ lấy bộ phận cơ thể nạn nhân, 239 vụ vì mục đích vô nhân đạo khác.

Về thủ đoạn phổ biến của tội phạm thì có 55 vụ lợi dụng môi giới hôn nhân, 57 vụ lợi dụng việc môi giới đưa người đi lao động nước ngoài và 282 vụ với thủ đoạn khác.

Rất ít vụ án được phát hiện thông qua công tác nghiệp vụ

Qua trao đổi tại phiên giải trình, các ý kiến chỉ ra một số biện pháp phòng, chống mua bán người triển khai chưa đạt yêu cầu như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người ở một số địa phương còn mang tính hình thức, lồng ghép với công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm chung. Điều này khiến nội dung chưa phù hợp với từng nhóm người, địa bàn, phong tục tập quán, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Tương tự, việc lồng ghép nội dung về phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội như giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở một số địa phương chưa thực sự có hiệu quả. Còn có trường hợp nạn nhân bị mua bán nhiều lần hoặc lại trở thành đối tượng thực hiện hành vi mua bán, lừa gạt người thân, quen để bán ra nước ngoài.

Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với việc quản lý, thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ mua bán người.

Đáng lưu ý, các ý kiến cho hay công tác phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người chưa tương xứng với tình hình thực tế. Việc phát hiện chủ yếu thông qua tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân, rất ít vụ án được phát hiện thông qua công tác nghiệp vụ của các cơ quan chức năng.

Tình trạng khó khăn còn do tội phạm xảy ra ở nước ngoài hoặc người phạm tội, nạn nhân đang ở nước ngoài dẫn đến khó khăn trong thu thập tài liệu, chứng cứ để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người.

Đối với nạn nhân, công tác giải cứu, tiếp nhận, xác minh, tái hòa nhập cộng đồng còn nhiều vướng mắc. Nhiều nạn nhân vẫn phải tìm cách liên lạc với người nhà nộp tiền chuộc để tự giải cứu; một số nạn nhân không được hỗ trợ học nghề, trợ giúp pháp lý, chăm sóc y tế, một số trường hợp không được trợ cấp ban đầu nếu không thuộc hộ nghèo.

Về việc phối hợp để ngăn chặn, giải cứu nạn nhân bị mua bán, các ý kiến cho rằng hợp tác quốc tế, ủy thác tư pháp hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có chức năng trong phòng, chống mua bán người chưa thực sự chặt chẽ…

Nguyễn Quân