Sau 12 năm kể từ ngày xảy ra vụ án, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cho hay sẽ mở phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án trong đó Hồ Duy Hải bị tuyên tử về tội Giết người và Cướp tài sản.

vụ án hồ duy hải, án oan, oan sai
Các bài báo liên quan tới vụ án Hồ Duy Hải, của LS Nguyễn Văn Đạt, đăng trên Báo Đất Việt (ngày 15-20/10/2012) và của PV báo Tuổi trẻ và Đời sống (ngày 29/1/2015). (Ảnh: FB)

Phiên xét xử giám đốc thẩm dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 6-8/5, do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. Phiên tòa có sự tham dự của các thành viên Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, đại diện VKSND Tối cao, TAND tối cao, Cơ quan tố tụng và TAND tỉnh Long An.

TAND tối cao đã mời luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP HCM) tham gia với tư cách luật sư bào chữa cho phạm nhân. Luật sư Phong đã theo vụ án Hồ Duy Hải từ năm 2010, đồng hành cùng gia đình Hồ Duy Hải kêu oan cho bị án này trong những năm qua.

Diễn biến trước đó, vào cuối năm 2019, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử lại, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của TAND Tối cao TP.HCM tuyên tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội Giết người, Cướp tài sản để điều tra lại, đồng thời tạm đình chỉ thi hành bản án, do vụ án có nhiều mâu thuẫn cùng những thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

VKSND Tối cao nhận định cơ quan tiến hành tố tụng đã không lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu, nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án. Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai, các đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol (bạn trai của nạn nhân) không được điều tra làm rõ. Những mâu thuẫn từ lời khai, chứng cứ, dấu vết tại hiện trường chưa được làm rõ.

Ngoài ra, lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hồ Duy Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án.

Theo VKSND Tối cao, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như: Bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.

RFA ngày 19/12/2019 dẫn lời luật sư Trần Hồng Phong cho biết: “Trong vụ án Hồ Duy Hải, qua nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy vai trò của một người có tên Nguyễn Văn Nghị là rất quan trọng, vì đây là một nhân chứng có khả năng cao đã vào Bưu điện Cầu Voi trong đêm xảy ra vụ án, thậm chí có thể liên quan đến cái chết của hai nạn nhân”.

Năm 2015, gia đình Hồ Duy Hải đã làm đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị gửi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, với mục đích là qua đó chứng minh hung thủ thật sự không phải là Hồ Duy Hải. “Trong quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối Cao có nêu vấn đề chưa làm rõ thông tin về Nguyễn Văn Nghị cũng như dấu vân thu giữ tại hiện trường cho thấy những nội dung mà chúng tôi nêu ra trong đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị là có cơ sở” – ông Phong cho hay.

Theo luật sư Phong, bản kết luận giám định ngày 11/4/2008 kết luận “các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không trùng khớp với 10 ngón tay của Hồ Duy Hải”, nhưng kết quả giám định này đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án. Cơ quan điều tra kết luận Hải đã dùng dao cắt cổ hai nạn nhân, nhưng thực tế không thu được tang vật. Nhân chứng Nguyễn Văn Thu ra chợ mua một con dao nộp cho Ban Công an xã và khẳng định “nó giống với con dao đã mất” tại hiện trường. Sau này, con dao này được VKSND tỉnh Long An sử dụng để truy tố Hồ Duy Hải về hành vi giết người.

Ngoài ra, bản cáo trạng có đề cập tới “nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện” tại thời điểm gây án. Nhưng khi xét xử, tòa đã không triệu tập nhân chứng Đinh Vũ Thường tham gia phiên tòa. Trong khi đó, trong biên bản ghi lời khai, nhân chứng Thường khai “nhìn thấy một thanh niên, và không thể nhận diện được”.

Ông Phong cho biết từ tháng 3/2017, gia đình đã làm và gửi đơn tố giác hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án đến Bộ Công an, VKSND Tối Cao để chứng minh một cách toàn diện và mạnh mẽ hơn khả năng Hồ Duy Hải đã bị kết án oan.

Theo nội dung vụ án, sáng 14/1/2008, 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại tại nơi làm việc.

Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm do TAND tỉnh Long An và TAND Tối cao TP.HCM vào các năm 2008 và 2009 đều tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải (SN 1985, ngụ tại ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) về hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản”.

Sau khi hai bản án được tuyên, mẹ của Hồ Duy Hải là bà Nguyễn Thị Loan đã đi kêu oan cho con ở khắp nơi trong nhiều năm.

Ngày 24/5/2011, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình không kháng nghị giám đốc thẩm vụ án và có Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

Đến ngày 24/10/2011, Viện trưởng VKSND Tối Cao Nguyễn Hòa Bình tiếp tục ban hành quyết định không kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải do không có tình tiết mới.

Ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin giảm án của Hồ Duy Hải.

Bà Nguyễn Thị Loan (là mẹ bị cáo), bà Nguyễn Thị Rưởi (là dì ruột bị cáo) và chị Hồ Thị Thu Thủy (là em gái của bị cáo) làm đơn đề nghị hoãn thi hành án đối với Hồ Duy Hải.

Ngày 25/11/2014, TAND tỉnh Long An thông báo với gia đình về Quyết định thi hành án tử hình Hồ Duy Hải vào ngày 5/12/2014.

Ngày 4/12/2014, một ngày trước khi Hồ Duy Hải bị thi hành án, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh hoãn thi hành án.

Ngày 5/12/2014, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Hà Nội ra tuyên bố hoan nghênh quyết định hoãn thi hành án tử hình, kêu gọi Việt Nam đình chỉ thi hành bản án này và bãi bỏ án tử hình.

Ngày 5/3/2015, bà Nguyễn Thị Loan và bà Nguyễn Thị Rưỡi gặp đại diện phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Hà Nội, tìm cách nhờ EU giúp đỡ, can thiệp kêu oan cho Hải.

Ngày 13/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu oan sai, gồm vụ án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Bá Mai, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn.

Ngày 20/3/2015, lãnh đạo Liên ngành Bộ Công an, VKSND Tối cao có báo cáo khẳng định Tòa án các cấp kết án Hồ Duy Hải mức án tử hình về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản” là có căn cứ pháp luật.

Ngày 7/5/2018, bản kiến nghị với 25.000 chữ ký được gửi tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu oan cho tử tù Hồ Duy Hải.

Ngày 23/10/2019, Tổng thư ký Ân xá quốc tế Na Uy – John Peder Egenaes gửi thư đến Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, đính kèm chữ ký của 25.543 người Na Uy kêu gọi hủy án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Ngày 30/11/2019, Viện KSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đề nghị TAND Tối cao hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm của TAND Tối cao TP.HCM trong vụ án để xét xử lại.

Nguyễn Quân