Bệnh nhi (10 tháng tuổi) bị tai nạn xe đẩy gãy xương hàm dưới đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An phẫu thuật.

gay xuong ham do tai nan xe day
Bé 10 tháng tuổi bị gãy xương hàm dưới do tai nạn xe đẩy. (Ảnh: Bệnh Viện Sản Nhi Nghệ An/Facebook)

Ngày 7/4, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết vừa phẫu thuật cấp cứu cho 1 bệnh nhi bị gãy xương hàm dưới do tai nạn xe đẩy. Bệnh nhi nhập viện vào cuối tháng 3 vừa qua.

Trước đó, bé T.B.A.K (10 tháng tuổi) ngồi trong xe đẩy chơi đùa cùng anh chị, bất ngờ chiếc xe đẩy trượt mạnh và ngã nhào từ trong nhà xuống bậc thềm ra phía sân khiến bé bị văng khỏi xe và đập mạnh vùng mặt xuống nền nhà cứng.

Gia đình hốt hoảng khi thấy miệng bé chảy nhiều máu, mặt biến dạng, vội đưa cháu đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để cấp cứu.

Sau khi được thăm khám, bác sĩ chuyên khoa ghi nhận bé K. vẫn tỉnh táo, mệt, vùng miệng hàm dưới bầm dập, cùng cằm bên trái sưng nề, ở giữa 2 răng cửa hàm dưới có vết rách niêm mạc, bầm tím.

Sau khi sơ cứu và chụp cắt lớp vi tính hàm mặt kiểm tra, hình ảnh cho thấy bé bị gãy di lệch thân xương hàm dưới.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật kết hợp xương, nắn chỉnh và cố định xương hàm dưới về đúng vị trí giải phẫu. Ca mổ kéo dài hơn một tiếng đồng hồ do vết gãy khá phức tạp.

Sau gần 2 tuần kể từ khi được phẫu thuật vì gãy xương hàm dưới, bé T.B.A.K đã bắt đầu có thể bú mẹ trở lại.

Khoa Răng hàm mặt tại Bệnh viện sản Nhi Nghệ An thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ nhỏ bị chấn thương do tai nạn trong lúc vui chơi. Trong đó, có nhiều trường hợp tai nạn do ngã xe tập đi, có trẻ còn bị rách lưỡi, chảy máu khó cầm vùng miệng. Chấn thương hàm mặt ở trẻ nhỏ thường gây tổn thương nặng nề phức tạp, nếu không cấp cứu kịp thời, thậm chí sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy, việc điều trị thường rất khó khăn, nguy cơ biến chứng nặng khó tránh và thường để lại những di chứng tổn thương vùng mặt, ảnh hưởng lớn đến chức năng và thẩm mỹ sau này.

Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần quan tâm, giám sát trẻ cẩn thận, không để bé một mình khi chơi đùa hoặc không có người lớn bên cạnh, để phòng tránh tai nạn nguy hiểm xảy ra với trẻ.

Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để kịp thời xử lý, đề phòng các thương tổn, nguy hiểm như chấn thương sọ não kín, dị vật đường thở, đường ăn.

Thạch Lam