Sau khi 4 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán cùng là người nhập cảnh trái phép được phát hiện, giới chức y tế Việt Nam tuyên bố lo ngại có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4. 

COVID 19 hai phong 1
Nhiều khu vực tại TP Hải Phòng phải phong tỏa trong đêm 25/3 sau 2 ca COVID-19 đi từ Campuchia về Phú Quốc rồi ra Hà Nội, Hải Phòng. (Ảnh: thanhphohaiphong.gov.vn)

“Chúng tôi rất quan ngại nguy cơ cao có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4, trong bối cảnh hiện nay các nước trong khu vực tình hình dịch còn phức tạp” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói tại một hội nghị ngày 26/3.

Phát ngôn được đưa ra khi trong cùng ngày 26/3, Bộ Y tế liên tiếp công bố 4 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, tất cả đều đi từ Campuchia về Việt Nam, phát hiện bệnh tình cờ sau khi tự đi khám tại bệnh viện.

Trong đó, bệnh nhân 2580 (nữ, 25 tuổi, quê ở Trà Ôn, Vĩnh Long) đi tàu cá (chở tổng cộng 10 người) từ Campuchia cập cảng An Thới (phường An Thới, Phú Quốc) ngày 22/3. Sau khi đi tàu đến bến tàu Rạch Giá, người này bắt taxi từ Rạch Giá (Kiên Giang) về TP.HCM và đi xe ôm đến khách sạn tại huyện Bình Chánh (TPHCM). Người này được phát hiện nhiễm bệnh sau khi tự đi làm xét nghiệm tại Bệnh viện FV, một bệnh viện tư thuộc nhóm cao cấp tại TP.HCM.

Hai người khác cũng trên chuyến tàu trên đã mắc COVID-19, gồm bệnh nhân 2582 (nữ, 25 tuổi, quê ở Cẩm Phả, Quảng Ninh) và bệnh nhân 2586 (nữ, 26 tuổi, địa chỉ ở huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) cũng đi trên tàu cá trên, sau đó  lên chuyến bay VJ458  Phú Quốc – Nội Bài, rồi tiếp tục về Hải Phòng.

Hai ca này được phát hiện nhiễm bệnh khi một người trong đó có triệu chứng mệt và tự đi khám tại Bệnh viện Vinmec Hải Phòng ngày 24/3.

Bệnh nhân 2585 (nam, 44 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, giám đốc) nhập cảnh trái phép từ Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) ngày 23/3, sau đó về Bình Dương.

Đến sáng 25/3, ông này đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM làm xét nghiệm COVID-19 để tiếp tục đi sang Campuchia thì có kết quả dương tính COVID-19.

Giải thích về tình trạng lỏng lẻo này, ông Long viện giải rằng từ đầu đợt dịch, Việt Nam đã thiết lập 1.600 điểm chốt để quản lý việc xuất nhập cảnh; tuy nhiên, Việt Nam có đường biên giới trải dài, rộng nên việc quản lý xuất nhập cảnh đường biển “hết sức khó khăn, đặc biệt là việc nhập cảnh trái phép rất phức tạp”.

Đường biên giới kiểm soát lỏng lẻo đang gây nên hệ quả lớn. Chỉ tính riêng chuyến bay VJ458  Phú Quốc – Nội Bài có 2 ca COVID-19, đã có tới 142 người xác định được cùng đi, rải rác ra 16 tỉnh, thành phố, trong đó TP.HCM (8 người), Hải Phòng (22), Quảng Ninh (5), Hà Nội (76), Phú Thọ (11), Lào Cai (9), Ninh Bình (6), Bắc Ninh (2), Thái Bình (2), Kiên Giang (2), Hưng Yên (1), Nam Định (1), Nghệ An (1), Thái Nguyên (1), Thanh Hóa (1), Vĩnh Phúc (1). Ngoài ra, ít nhất có 51 trường hợp F2 đang chờ kết quả xét nghiệm.

Đáng lưu ý, còn các F1 vẫn chưa được tìm thấy, vẫn đang ở trong cộng đồng, là 2 tài xế từng chở bệnh nhân 2580 (1 tài xế taxi, 1 tài xế xe ôm).

Sự việc này bước đầu ảnh hưởng mở rộng đến khu vực trường học. Đêm 25/3, học sinh các cấp thuộc 3 xã: Tú Sơn, Đại Hợp, Đoàn Xá (cùng thuộc huyện Kiến Thụy) được cho nghỉ học ngày 26/3 để giới chức truy vết phòng dịch. Tất cả học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đang tạm phải nghỉ học ngày 26-28/3 sau khi có hai học sinh học lớp 1 và lớp 4 (2 chị em) đã đi trên chuyến bay VJ 458 Phú Quốc – Nội Bài ngày 22/3.

Lo ngại dịch lan rộng, hiện TP.HCM đã thông báo sẽ cách ly người đến từ các khu vực liên quan tới ca COVID-19 tại Hải Phòng và Bình Dương, chưa kể khu vực hiện vẫn đang phong tỏa (theo Chỉ thị 16) tại Hải Dương.

Cũng trong ngày 26/3, ông Hoàng Minh Đức, Cục phó Y tế dự phòng, Bộ Y tế xác nhận 4 nhóm người có thể lây lan COVID-19 ra cộng đồng, gồm người nhập cảnh trái phép; nhóm trong khu cách ly nhưng được quản lý không tốt, bỏ trốn hoặc tự động ra ngoài; nhóm người làm nhiệm vụ tại các chốt cửa khẩu, người đưa đón công nhân; nhóm chăm sóc người trong khu cách ly, nếu bảo hộ không tốt, không đúng quy trình.

Nguy cơ đợt dịch thứ 4 từ kiểm soát đường biên lỏng lẻo đang đặt ra vấn đề  sẽ xử lý ra sao?

Trong các đợt bùng phát dịch trước, một số trường hợp bị cáo buộc làm lây lan dịch COVID-19 và chuyển thành án hình sự, như khởi tố bị can nam tiếp viên hàng không tại TP.HCM, khởi tố vụ án vụ việc liên quan bệnh nhân 2278 tại TP Hải Dương, khởi tố vụ đưa bệnh nhân 1440 nhập cảnh trái phép tại An Giang…

Tình trạng đường biên giới kiểm soát lỏng lẻo đã nhiều lần được dấy lên sau khi hàng trăm người Trung Quốc được phát hiện đã nhập cảnh trái phép, có mặt tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam, thậm chí vào Việt Nam để làm bước chuyển tiếp để từ đó vượt biên sang Campuchia. Điều này xác thực việc quản lý, giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam có rất nhiều sơ hở.

Hiện, lỗ hổng dịch bệnh nói trên sẽ được xử lý như thế nào, sẽ dừng ở việc cáo buộc trách nhiệm đối với các cá nhân vi phạm, hay cả các cá nhân có trách nhiệm quản lý, giám sát khu vực biên giới?

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Na Uy và Đức phát hiện nguyên nhân gây đông máu của vắc-xin AstraZeneca