Ông Tạ Nam Chiến, chủ tịch quận Ba Đình (Hà Nội) khẳng định việc cấp giấy phép để gia đình Thiếu tướng Lê Công xây nhà riêng với 5 tầng nổi, 4 tầng hầm là đúng quy định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công trình này chỉ được phép xây 1 tầng hầm. Người dân đặt câu hỏi có hay không việc “chống lưng” đối với công trình này.

cong trinh tuong le cong
Công trình của gia đình Thiếu tướng Lê Công xây 5 tầng nổi, 4 tầng hầm. (Ảnh: tuoitre.vn)

Nhà riêng của Thiếu tướng Lê Công, cựu tổng giám đốc một ngân hàng được xây tại thửa đất B3, ngõ 15 phố Sơn Tây, quận Ba Đình, Hà Nội với diện tích 311,7m2 đang gây xôn xao dư luận.

Ngôi nhà này được ông Tạ Nam Chiến, chủ tịch UBND quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng số 447 ngày 24/9/2019 với 5 tầng nổi và 1 tầng hầm. Nhưng chỉ sau 3 tháng, công trình được cấp phép điều chỉnh thành 5 tầng nổi và 4 tầng hầm (mỗi tầng cao 3,3m). Trong đó, tầng hầm 1 để xe máy, tầng 2 và 3 là diện tích kho chứa, kỹ thuật và tầng 4 để ô tô.

Theo người dân, việc cấp giấy phép xây dựng 4 tầng hầm tại khu đông đúc dân cư là bất thường, là “lách luật” để chạy theo nhu cầu của chủ đầu tư.

“Nhiều tháng qua, chúng tôi sống gần công trình “lạ” này không ngủ được vì tiếng ồn, rung lắc. Nhà phố thì chỉ được phép xây dựng 1 tầng hầm, còn nhà chung cư, trung tâm thương mại… mới được cấp phép từ 2 tầng hầm trở lên. Vậy công trình này tên là gì, là công trình cấp mấy? Có hay không việc chống lưng? Nếu công trình này không bị xử lý, hộ dân nào cũng đề xuất làm tầng hầm thì không gian đô thị sẽ ra sao?…”, người dân sống tại khu vực này thắc mắc.

Trước phản ứng của dư luận, ông Tạ Nam Chiến giải thích, ngày 22/11/2019, Sở Quy hoạch – Kiến trúc từng có văn bản 6761 chấp thuận phương án xây dựng 4 tầng hầm.

Ông Chiến cho biết theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Gara ôtô (QCXD 13:2018/BXD), các gara ôtô ngầm không vượt quá 5 tầng. Quy chuẩn trên lại không quy định chiều cao các tầng ngầm. Hơn nữa, hiện cũng chưa có văn bản quy định cụ thể về chiều cao tầng hầm.

Theo ông Chiến, chủ đầu tư được quận Ba Đình cấp sổ đỏ ngày 15/11/2018 với diện tích đất ở được cấp là 317,7m2, trong đó có 267,7m2 nằm ngoài chỉ giới đường đỏ, trong chỉ giới xây dựng là phần diện tích đất hợp pháp được phép xây dựng công trình. Do đó, việc chủ đầu tư đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở có quy mô 4 tầng hầm nằm trong ranh giới diện tích 267,7m2 là đúng quy định về ranh giới sử dụng đất.

UBND quận Ba Đình cũng cho rằng phương án thiết kế đề xuất công năng sử dụng, chiều cao các tầng hầm là phù hợp quy định. Do công trình là nhà ở riêng lẻ, nên việc UBND quận cấp điều chỉnh giấy phép xây dựng là phù hợp.

Việc quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng là đúng quy hoạch, không vi phạm chỉ giới đường đỏ, số tầng, chiều cao, mật độ xây dựng… Việc điều chỉnh thành 4 tầng hầm là phù hợp do nhu cầu sử dụng…, không vi phạm các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam”, ông Chiến khẳng định.

Trái ngược với những giải thích của ông Chiến, tờ Tuổi trẻ dẫn lời từ Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng nhà phố 5 tầng được cấp phép 4 tầng hầm là trường hợp không bình thường. Thực tế, nhà mặt phố thường là bán hầm, sâu khoảng 1,8m và nổi khỏi mặt đất 1m với mục đích để xe.

“Thi công làm hầm không đơn giản như làm trên mặt đất vì có thể tác động đến kết cấu hạ tầng của cả khu phố. Công trình hầm như “quả bom nổ chậm” khi xảy ra sự cố cháy nổ. Cần phải quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép, xây dựng tầng hầm”, ông Tùng nói.

Tờ Vietnamnet dẫn ý kiến của luật sư cho hay tại Phụ lục 2 “Phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu” trong thông tư số 03/2016 của Bộ Xây dựng Việt Nam quy định, đối với nhà ở riêng lẻ thuộc công trình cấp III, độ sâu ngầm nhỏ hơn 6m và số tầng hầm 1 tầng. Đối với công trình cấp II thì mới được cấp phép từ 2 đến 4 tầng hầm, độ sâu ngầm từ 6 đến 18m…

Cũng theo luật sư, công trình xây dựng có 4 tầng hầm là tương đương với công trình cấp II. Nếu là cấp II thì thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là của Sở Xây dựng.

Nhiều kiến trúc sư, chuyên gia lĩnh vực quy hoạch đô thị cũng bày tỏ lo ngại với công trình ngầm này. Công trình ngầm là nhà phố nhưng có đến 4 tầng hầm sẽ là tiền lệ xấu cho không gian ngầm không chỉ Hà Nội, TP.HCM mà với các đô thị Việt Nam…

Tờ Tuổi trẻ cho biết mảnh đất trên được gia đình ông Lê Công mua lại của một người khác. Theo một số người môi giới bất động sản thì lô đất ở ngõ Sơn Tây có mặt tiền đắc địa ở phố Trần Phú có giá thị trường cả hàng trăm tỷ đồng.

Hoàng Minh (t/h)