Thời gian gần đây, nước hồ Tây (Hà Nội) bất ngờ chuyển màu xanh rêu đậm, bốc mùi tanh tưởi, hôi thối khiến nhiều người dân lo lắng.

ca chet ho tay
Hồi năm 2016, cá tại Hồ Tây chết hàng loạt. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Báo Lao Động dẫn lời bà Nguyễn Thị Lan cho biết mỗi sáng sớm, bà thường ra hồ để tập thể dục và hít thở không khí. Thế nhưng, dạo gần đây bà nhận thấy, nước hồ chuyển màu đậm hơn. Không chỉ thế, rác và xác cá chết trôi nổi vào gần bờ khiến mùi tanh thối không ngửi được.

“Chúng tôi rất mong hồ được nạo vét thật sạch và sâu xuống lòng hồ. Người còn không ngửi được thì cá sống dưới đó làm sao được” – bà Lan nói.

Anh Nguyễn Hồng Đức cho biết mùi hôi tanh đã có từ nhiều tháng nay, nhất là những ngày trời nồm. “Cách đây một tháng, khi nước còn thấp, tôi nhìn thấy lớp váng màu xanh như tảo ở sát bờ. Mấy ngày gần đây, nước lên cao nên không nhìn thấy nữa”, anh Đức nói trên báo Vnexpress.

Tại đoạn hồ ven đường Nguyễn Đình Thi, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, chỉ số chất rắn lơ lửng là 60 mg/l, vượt hơn 10 mg/l quy chuẩn Việt Nam năm 2015 với mục tiêu để tưới tiêu, thủy lợi.

Nhiều điểm ở hồ Tây, nhu cầu oxi hóa hơn 60 mg/l, gấp đôi tiêu chuẩn cho nước tưới tiêu, vượt quá tiêu chuẩn cho giao thông đường thủy. Lượng thủy ngân trong nước cũng lớn hơn quy chuẩn 0,001 mg/l. Có điểm cho kết quả chỉ số amoni 2,46, lớn hơn gần ba lần so với tiêu chuẩn.

Nhiều thông số khác cũng vượt quy chuẩn, như sinh khối và mật độ tế bào thực vật cao, chủ yếu là các chi dạng tập đoàn vi khuẩn lam Microcystis, Alphanocapsa, Merismopedia và các tập đoàn tảo lục Scenedesmus, Crucigena.

Trước đó, tháng 10/2016, hàng chục tấn cá chết đã nổi trắng mặt hồ Tây. Không lâu sau đó, tháng 7/2018, cá ở hồ Tây lại chết nổi trắng mặt hồ. Nhiều nguyên nhân khiến cá chết được đưa ra như nắng nóng, tảo nở hoa… Tuy nhiên, theo nhiều người dân sống ven hồ Tây, hiện tượng cá chết vẫn thường xuyên xảy ra nhưng số lượng không nhiều.

Hồ Tây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất, nằm ở phía Tây Bắc Hà Nội. Hồ rộng hơn 500 ha với chu vi hơn 17 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng.

Theo giới chức quận Tây Hồ, hệ thuỷ sinh vật hồ Tây khá đa dạng về thành phần loài, với 72 loài thực vật nổi, 47 loài tảo bám đáy, 37 loài động vật nổi, 29 loài động vật đáy (thuộc nhóm tôm, cua, trai, ốc…), 12 loài giáp xác, 46 loài cá, trong đó có 15 loài thuộc nguồn gốc cá tự nhiên.

Minh Long

Ô nhiễm môi trường tại Việt Nam tiếp tục gia tăng nhanh