Chánh án Nguyễn Hòa Bình dẫn lại vụ án OceanBank liên quan ông Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng và đã đi tù, nhưng đây là bản án khó thi hành.

nguyen hoa binh
Chánh án Nguyễn Hòa Bình dẫn lại vụ án OceanBank liên quan ông Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng và đã đi tù, nhưng đây là bản án khó thi hành. (Ảnh: quochoi.vn)

Chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sáng ngày 20/3, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết trong thời gian qua việc thu hồi tài sản vẫn còn ít.

“Thời gian tới, Chánh án TAND Tối cao phối hợp với các cơ quan liên quan như thế nào để mà thu hồi tài sản tham nhũng được nhiều và đạt được theo kỳ vọng của người dân?”.

Trả lời, ông Bình nói việc thu hồi tài sản tham nhũng ở tất cả các nước “không bao giờ triệt để”. Tại Việt Nam, tỷ lệ thu hồi trong thời gian qua được 40% tổng số tài sản đã tham nhũng.

Về bản án khó thi hành, theo ông Bình, có hai nguyên nhân, gồm: tuyên án không rõ nên khó thi hành; bản án tuyên rõ rồi nhưng không thi hành được.

Ông Bình lấy ví dụ vụ Trustbank (Ngân hàng Xây dựng), bà Hứa Thị Phấn làm mất của ngân hàng hơn 10.000 tỷ đồng. Tòa buộc phải tuyên bà Phấn bồi thường số tiền đó, nhưng tuyên xong bà Phấn chết.

Theo ông Bình, đây là bản án tuyên đúng pháp luật, không thể không tuyên bà Phấn phải bồi thường.

Ví dụ khác được ông Bình nêu là xoay quanh vụ vụ án OceanBank, liên quan đến ông Đinh La Thăng, vụ án này làm mất 800 tỷ đồng, trách nhiệm dân sự các bị cáo trong vụ án phải chia đều theo thị phần bồi thường 800 tỷ đồng đó.

“Ông Đinh La Thăng phải đền bù 600 tỷ đồng, đã đi tù rồi. Đây là bản án khó thi hành nhưng không tuyên không được. Cách nào để bản án thực thi trên thực tế thì chúng tôi chưa nghĩ ra giải pháp”, ông Bình nói.

Nói thêm về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết trong 5 tháng (bắt đầu từ tháng 10/2022 đến nay) đã thu hồi tài sản tham nhũng được hơn 17.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Long việc thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều khó khăn, như tài sản trong các vụ án lớn, nằm rải rác ở các địa phương khác nhau trên phạm vi cả nước; nguồn gốc, tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên, đưa ra xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian làm rõ; có trường hợp phải xác minh tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng…

Ông Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn từ 8h10 đến 11h30 sáng 20/3 về các vấn đề:

Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án.

Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ.

Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan: Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ.

Kết luận phiên chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết đã có 35 đại biểu đăng ký phát biểu, 29 đại biểu đặt 50 câu hỏi, 6 đại biểu tranh luận. Còn 2 câu hỏi, ông Bình sẽ trả lời bằng văn bản.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.

Minh Long