Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết trong số 170.000 mẫu test nhanh (mẫu đơn), phát hiện khoảng 6.000 mẫu dương tính COVID-19.

nguoi dan tphcm tu lay mau
Người dân TP.HCM tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: HCDC)

Trong buổi họp báo chiều hôm 24/8, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đây là tuần rất quan trọng để thành phố bóc tách F0 trong cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong.

Đợt này, thành phố sẽ tập trung xét nghiệm vùng đỏ, cam trước. Dự kiến, thành phố xét nghiệm 2 triệu mẫu, chậm nhất sẽ xong trong ngày 25/8. “Khối lượng công việc sẽ rất lớn”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, số liệu ngày xét nghiệm đầu tiên cho thấy chưa đáp ứng được tiến độ. Cụ thể, ngày đầu ngành y tế xét nghiệm được khoảng 170.000 mẫu (test nhanh, mẫu đơn), trong đó, phát hiện hơn 6.000 mẫu dương tính.

“Đây là tỷ lệ chấp nhận được vì vẫn thấp hơn tỷ lệ 5% theo hướng dẫn của WHO”, ông Hưng nhận định.

Ngoài ra, để giảm bớt áp lực xét nghiệm, ngành y tế cũng đã có nhiều hướng dẫn để người dân tự thực hiện test nhanh tại nhà. Thành phố đã hướng dẫn qua 3 kênh: Đài truyền hình thành phố; website của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) và các trung tâm y tế quận, huyện, TP; tờ hướng dẫn cho người dân.

Trưa nay, Sở Y tế họp trực tuyến với UBND các quận huyện để bàn cách đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu. Các địa phương được yêu cầu phải đưa ra tiến độ cam kết, bảo đảm chậm nhất trưa mai phải hoàn thành việc lấy mẫu ở khu vực đỏ và cam.

“Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ đánh giá tình hình dịch tại thành phố và đề xuất các giải pháp tiếp theo”, ông Hưng nói và cho biết thành phố cũng đang thực hiện lấy mẫu tầm soát cho cư dân trong “vùng xanh và vàng” bằng hình thức lấy mẫu gộp.

Với việc xét nghiệm diện rộng, ông Hưng khẳng định số F0 sẽ tăng lên, nên nhu cầu điều trị cũng sẽ tăng lên. Thành phố đang thực hiện điều trị F0 theo mô hình tháp 3 tầng. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu điều trị nhiều hơn, ngoài việc nâng công suất tầng 2 và 3 (các bệnh viện dã chiến, bệnh viện tách đôi và các trung tâm hồi sức cấp cứu), thành phố đang mở rộng tầng 1 điều trị các ca F0 cách ly tại nhà và các khu cách ly F0 ở quận, huyện. “Đây cũng là tầng rất quan trọng để giảm áp lực cho tầng 2 và 3”, ông Hưng nói.

Để chuẩn bị cho việc này, ông Hưng cho biết thành phố triển khai mô hình trạm y tế lưu động để tăng cường quản lý, điều trị F0 tại nhà. “Mỗi phường, xã sẽ lập 2-3 trạm y tế lưu động để chăm sóc F0 tại nhà cũng như các bệnh thông thường. Nếu F0 có chuyển nặng thì cũng kịp thời chuyển lên tuyến trên”, theo ông Hưng.

Cũng theo ông Hưng, riêng tầng 2 và 3 đang tiếp nhận điều trị khoảng 33.000 bệnh nhân. Đây là số lượng khá lớn, thành phố đã phải liên tục mở thêm các khu điều trị nên áp lực lên ngành y tế rất lớn. Tuy nhiên, thành phố cũng được hỗ trợ từ Trung ương và các tỉnh thành nên vẫn đảm bảo được việc điều trị cho bệnh nhân hai tầng này.

TP.HCM trải qua ngày thứ hai siết chặt giãn cách xã hội theo nguyên tắc “ai ở đâu yên đó” (bắt đầu từ 0h ngày 23/8). Việc siết chặt giãn cách được thành phố đưa ra nhằm đạt mục tiêu đến 15/9 kiểm soát được dịch.

Tối 23/8, theo công bố từ Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận thêm 10.280 ca nhiễm mới, trong đó TP.HCM đứng đầu danh sách với 4.251 ca.

Tuy nhiên, đến tối 24/8, trong danh sách 10.811 ca COVID-19 mới, TP.HCM vẫn đứng đầu với 4.627 ca.

Như vậy, trong 24h qua, TP.HCM đã tăng 376 ca COVID-19.

Hiện toàn thành phố ghi nhận hơn 180.000 ca nhiễm, tính từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4).

Hoàng Minh

Xem thêm:

Ngày 24/8 thêm 10.811 ca COVID-19; TP.HCM tăng 376 ca, Bình Dương tăng 445 ca trong 24h