Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng COVID-19 quận 4 (TP.HCM) vào sáng 23/8, ông Vũ Đức Đam – Phó thủ tướng Việt Nam yêu cầu trong ngày 23/8, 312 phường, xã tại thành phố phải tập trung toàn bộ người lang thang, cơ nhỡ để xét nghiệm, phân loại, cách ly và chăm sóc, tránh nguy cơ lây dịch.

nguoi yeu the tphcm
Một người có hoàn cảnh khó khăn vừa nhận được phần cơm miễn phí. (Ảnh: HCDC)

Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh TP.HCM ngày đầu thực hiện việc siết chặt giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”, với sự tăng cường của nhiều lực lượng quân đội, công an, y tế…

Theo Chủ tịch UBND quận 4 Lê Văn Chiến, quận 4 có mật độ dân số cao nhất thành phố với 42.000 người/km2, nhiều hẻm nhỏ. Thành phần dân cư đa số là công nhân lao động, thu nhập thấp…

Quận cũng là một trong những khu vực phức tạp với toàn bộ 13 phường là “vùng đỏ”. Lũy kế tới nay, đã ghi nhận 6.340 ca nhiễm. Ngày 22/3, quận đã tiếp nhận 340 chiến sĩ của Sư đoàn 309. Mỗi phường được bổ sung 18 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ.

Thứ trưởng Bộ Công an, ông Nguyễn Duy Ngọc cho rằng cần “đặc biệt lưu ý đến nhóm yếu thế, cần hỗ trợ tại quận”. Theo báo cáo, quận 4 có 17.262 hộ yếu thế, cần quan tâm và khoảng 30 trường hợp lang thang, cơ nhỡ cần thu dung.

Ông Ngọc cho biết trên đường đến quận 4, ông quan sát được ít nhất 6 trường hợp người lang thang, cơ nhỡ ở các chân cầu, bến xe buýt. “Quận cần có giải pháp để kiểm soát nhóm này”, ông Ngọc nói.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng cho rằng TP.HCM khi tập trung toàn bộ người lang thang, cơ nhỡ cần xét nghiệm tầm soát COVID-19. Trường hợp dương tính sẽ đưa đi cách ly, điều trị tập trung, nếu âm tính chuyển vào doanh trại quân đội để được chăm sóc.

Về việc này, ông Vũ Đức Đam cho rằng dịch ở TP.HCM rất phức tạp nên việc giãn cách phải thực hiện “người cách ly người, nhà cách ly nhà”.

Để làm được điều đó, tất cả người dân, bao gồm người lang thang, cơ nhỡ cần được chăm lo. “Phải chắc chắn không để sót một người dân, hộ dân nào không được hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, đặc biệt là y tế khi cần thiết”, ông Đam nói.

Ông Đam yêu cầu trong ngày 23/8, 312 phường, xã tại TP.HCM phải tập trung toàn bộ người lang thang, cơ nhỡ để xét nghiệm, phân loại, cách ly và chăm sóc, tránh nguy cơ lây dịch.

Cũng theo ông Đam, những đợt giãn cách trước các địa phương cho rằng không đủ nhân lực, nên đợt này được tăng cường rất nhiều lực lượng. Ông đề nghị lãnh đạo các quận và phường phải “cam kết trong đợt giãn cách này khống chế bằng được dịch”.

“Không để xảy ra tình trạng chỉ giãn cách nghiêm trong những ngày đầu, buông lỏng những ngày sau. Ai thiếu trách nhiệm, không đủ năng lực thì đứng qua một bên”, ông Đam nói.

Từ 0h ngày 23/8, TP.HCM tăng cường biện pháp phòng dịch COVID-19 với yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”. Việc siết chặt giãn cách được thành phố đưa ra nhằm đạt mục tiêu đến 15/9 kiểm soát được dịch.

Tối 23/8, theo công bố từ Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận thêm 10.280 ca nhiễm mới, trong đó TP.HCM vẫn đứng đầu danh sách với 4.251 ca. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 180.245 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Thành phố hiện đang điều trị 35.425 bệnh nhân, trong đó có 2.096 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.519 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 23/8 có 1.742 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 89.547 bệnh nhân. Có 321 trường hợp tử vong trong ngày.

Người dân tại TP.HCM đi mua thuốc bằng cách nào?

Trong cuộc họp báo chiều ngày 23/8, Phó Ban chỉ đạo phòng dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết, các tiệm thuốc Tây vẫn mở nhưng người dân không tự đi mua, Tổ công tác đặc biệt của mỗi phường, xã sẽ giúp người dân đi mua thuốc.

Trường hợp trong gia đình có người mắc bệnh lý thông thường (không phải COVID-19), người dân có thể tự đến bệnh viện để chữa trị. Hiện nay các bệnh viện vẫn đang thực hiện mô hình chia đôi vừa điều trị bệnh nhân COVID-19 vừa điều trị bệnh nhân có bệnh lý khác.

Riêng đối với người bệnh nhiễm COVID-19, gia đình liên hệ với Tổ phản ứng nhanh, Trạm y tế lưu động hoặc Trung tâm cấp cứu 115 để được hướng dẫn, tư vấn.

Về việc di chuyển, hiện thành phố có 500 xe taxi của hãng Mai Linh và Vinasun được hoạt động phục vụ cấp cứu cho người dân, người dân có thể gọi 2 hãng xe này khi cần tới bệnh viện cấp cứu.

Còn đối với trường hợp bệnh nhân F0 chuyển nặng, thành phố có 260 xe của Phương Trang được phân bổ về 22 quận huyện, TP. Thủ Đức sẽ trở người bệnh tới bệnh viện.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Phó Chủ tịch TP.HCM: “Người dân được đi chợ 1 lần/tuần” là lỗi gửi tin nhắn