Đến cuối ngày 6/6, tổng số tiền và hiện vật quy đổi các tổ chức, cá nhân cam kết đóng góp cho Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 của Việt Nam là 5.666,66 tỷ đồng, trong đó, 1.299 tỷ đồng đã chuyển vào tài khoản, truyền thông trong nước dẫn tin từ Ban quản lý quỹ.

vac xin sinopharm trung quoc
Vắc-xin Sinopharm (Trung Quốc) là loại vắc-xin thứ 3 được phê duyệt để sử dụng tại Việt Nam. Nhiều ý kiến băn khoăn về việc người dân ủng hộ tiền vào quỹ, nhưng có quyền lựa chọn loại vắc-xin để tiêm hay không? (Ảnh minh họa: Zoltan Tarlacz/Shutterstock)

Tổng số tiền và hiện vật quy đổi 5.666,66 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân đã đóng góp và cam kết, cập nhật đến 17h ngày 6/6. Trong đó, quỹ đã nhận được tổng cộng 1.299 tỷ đồng giá trị quy đổi, bao gồm cả ngoại tệ quy đổi, tức còn khoảng 4.367,66 tỷ đồng tiền và hiện vật quy đổi đã cam kết đóng góp nhưng chưa chuyển.

Hiện 12 tài khoản đã được mở để nhận tiền vào quỹ, cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và 3 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank và HDBank.

Được thành lập ngày 26/5, trong buổi lễ ra mắt quỹ vào tối 5/6, giới chức nhà nước công bố “đã có hàng nghìn tỷ đồng được các doanh nghiệp, ngân hàng, cá nhân cam kết đóng góp vào quỹ”.

Tuy nhiên, trong danh sách công bố các đơn vị ủng hộ thì hầu hết là tổ chức và cơ quan nhà nước, như Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chuyển 1.016 tỷ đồng tiền đóng góp của các cá nhân, tổ chức ủng hộ trước đó sang quỹ này; Quỹ xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ủng hộ 150 tỷ đồng; các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước khác ủng hộ hàng chục tỷ đồng…

Một số tỉnh, thành chi tiền vào quỹ để mua vắc-xin cho khu vực của mình, như TP Hà Nội chi 1.000 tỷ mua vắc-xin cho thành phố và ủng hộ quỹ 100 tỷ đồng; tỉnh Quảng Ninh cũng chi 500 tỷ đồng mua vaccine cho tỉnh và ủng hộ 100 tỷ đồng và quỹ vaccine chung.

Các tập đoàn (nhà nước và tư nhân) trong buổi ra mắt công bố trao nhiều tỷ đồng như Công ty Golf Long Thành 500 tỷ đồng, Tập đoàn Vingroup 480 tỷ đồng; Tổng Công ty Viễn thông Quân đội – Viettel 450 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam 400 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam 400 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam 400 tỷ đồng…

Theo báo cáo ngày 2/6 của Bộ Tài chính, Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 dự kiến tạo nguồn kinh phí khoảng 25.200 tỷ đồng để mua và tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho khoảng 75 triệu người (khoảng 21.000 tỷ đồng mua vắc xin; vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm khoảng 4.200 tỷ đồng).

Trong đó, khoảng 16.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương; khoảng 9.200 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức.

Thời điểm này, Bộ Tài chính cho biết có 13.337 tỷ đồng đã chuyển vào quỹ, gồm 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí của ngân sách trung ương năm 2020; 1.237 tỷ đồng đã bổ sung cho Bộ Y tế năm 2020 nhưng chưa sử dụng nay chuyển sang năm 2021.

Số còn lại (2.663 tỷ đồng), Bộ Tài chính khẳng định rằng hoàn toàn có thể huy động ở một số nguồn khác.

Với khoản 9.200 tỷ đồng ngân sách địa phương và huy động từ doanh nghiệp, cá nhân, Bộ Tài chính dẫn thống kê của Kho bạc nhà nước rằng đến ngày 1/6 đã nhận được 20 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân chuyển vào tài khoản, đồng thời cho hay trước đó, đã có hàng trăm tỷ đồng được các tập đoàn, doanh nghiệp ủng hộ cho Quỹ.

Tuy nhiên, con số cụ thể thì lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay sẽ công bố sau khi Bộ này xây dựng xong thông tư, kèm theo quy chế tổ chức, quản lý Quỹ, bao gồm cả phụ lục liên quan đến hạch toán, kế toán, công khai tài chính cho Quỹ này.

Trong một bài phỏng vấn trên Tuổi Trẻ hôm 31/5, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết vắc-xin mua từ nguồn tiền của quỹ sẽ ưu tiên tiêm trước cho lực lượng tuyến đầu là bác sĩ, nhân viên y tế; lực lượng quân đội; công an…, sau khi có lượng vắc-xin đủ lớn thì mở rộng các nhóm ưu tiên tiếp theo.

Theo diễn biến liên quan, ngày 2/6, Bộ Y tế công bố danh sách 36 doanh nghiệp được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc-xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc-xin. Tuy nhiên, còn nhiều điều chưa được làm rõ như doanh nghiệp tư nhân mua được vắc-xin thì có quyền ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vắc-xin hay không (người tiêu dùng) hay phải ưu tiên cho đối tượng tuyến đầu, tổ chức tiêm chủng như thế nào…

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Góc khuất của 2 loại vắc-xin Trung Quốc được WHO duyệt sử dụng khẩn cấp