Sau hơn 20 năm chuyển đổi sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên, ngân sách TP.HCM chi cho lĩnh vực y tế đã giảm từ 7% (năm 2016) xuống còn 2% (2020). Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM nhận định các bệnh viện công lập tại TP.HCM đang gặp rất nhiều khó khăn, về chuyên môn kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, thu nhập của y bác sĩ…

sau kien nghi go kho cho benh vien cong lap tu chu
Bệnh viện Trưng Vương (bệnh viện đa khoa hạng 1 của TP.HCM) hiện ghi nhận 138/998 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 53 điều dưỡng, đa số do thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Ảnh: Một nữ bác sĩ đang làm thủ thuật trên bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa Thận – Thận nhân tạo Bệnh viện Trưng Vương, tháng 7/2022. (Ảnh: Bệnh viện Trưng Vương/Facebook)

Những nan giải từ nguồn thu tới cấu trúc bộ máy quản lý

Ngày 14/11, Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị lên UBND TP.HCM, Bộ Y tế 6 nội dung nhằm gỡ khó cho các bệnh viện công lập trong giai đoạn hiện nay.

Sở Y tế TP.HCM cho hay đến thời điểm này, 45/50 bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế TP.HCM đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên nhưng giá dịch vụ khám, chữa bệnh chỉ mới kết cấu 2 trong 4 yếu tố là chi phí tiền lương và các chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, vật tư, điện, nước, xử lý rác thải, nước thải).

Các chi phí khác vẫn chưa được đưa vào giá (chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí duy tu sửa chữa tài sản, chi phí công nghệ thông tin, chi phí quản lý, chi phí đào tạo…). Các bệnh viện rất cần sớm điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng tính đủ để ổn định nguồn thu chính đáng.

Việc các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên khó khăn trong cân đối chênh lệch thu chi ảnh hưởng đến phát triển chuyên môn kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và khó nhất là đảm bảo thu nhập chính đáng của nhân viên y tế, từ đó khó giữ chân các thầy thuốc giỏi, hiện tượng nhân viên y tế công lập nghỉ việc tăng cao sau đại dịch COVID-19…

Thực tế, trong quá trình hoạt động theo mô hình tự chủ, giám đốc các bệnh viện sẽ gặp khó khăn khi ra các quyết định liên quan đến sử dụng nguồn lực của bệnh viện mà thiếu tư vấn, thảo luận của các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, đầu tư… Theo đó, đổi mới quản trị bệnh viện công lập (tự chủ tài chính) mà vẫn giữ cấu trúc bộ máy quản lý cũ (hoạt động theo kế hoạch và ngân sách) sẽ gây nên nhiều nguy cơ và rủi ro.

Ngoài ra, cơ chế tự chủ đang vận hành thời gian qua đã làm xuất hiện các khoảng cách ngày càng lớn về quỹ phát triển sự nghiệp giữa các bệnh viện công lập. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất công bằng về thu nhập giữa các nhân viên y tế công lập dù nhiệt huyết và sức lao động như nhau.

Sáu kiến nghị giải quyết khó khăn cho bệnh viện “tự chủ”

Thứ nhất, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị chính quyền thành phố duy trì cơ chế hỗ trợ nguồn ngân sách để thực hiện Nghị quyết 03 năm 2018 của HĐND TP đối với các bệnh viện gặp khó khăn về chênh lệch thu chi, không đủ nguồn để chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Điều này giúp nhân viên y tế yên tâm công tác và các bệnh viện ổn định lại trong giai đoạn hiện nay (sau đại dịch COVID-19 – viêm phổi Vũ Hán).

Hồi trung tuần tháng 10, khi sơ kết hoạt động 9 tháng năm 2022, Sở Y tế TP từng kiến nghị chi hơn 500 tỷ đồng ngân sách để giải quyết vấn đề nhiều bệnh viện không còn nguồn tích lũy sau đại dịch COVID-19 để chi trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế, khi nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển nghề, đặc biệt là đáng lo ngại là điều dưỡng.

Thứ hai, Sở đề nghị thành phố kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành cơ chế chính sách trong xây dựng kết cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ, bổ sung tiền thuế đất vào giá này. Việc giá viện phí mới chỉ cơ cấu 4/7 yếu tố là trở ngại ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động của các bệnh viện trong nhiều năm qua khi chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính.

Thứ ba, theo Sở Y tế TP, TP.HCM cần có cơ chế hỗ trợ các bệnh viện công lập được phép tự tổ chức cung ứng các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh trong khuôn viên của các bệnh viện (như bãi giữ xe, căng tin…). Bệnh viện tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động này, bao gồm cả hình thức tự tổ chức thực hiện hay đấu giá thực hiện.

Hiện tại, việc cung cấp các dịch vụ này phải chờ Sở Tài chính thẩm định và UBND phê duyệt.

Thứ tư, Sở kiến nghị TP xem xét và thí điểm cơ chế về điều tiết quỹ phát triển sự nghiệp trong khối các bệnh viện công lập, giữa các bệnh viện có số dư cao ngoài nhu cầu phát triển của bệnh viện và bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn có nguồn trích lập thấp không đủ đáp ứng yêu cầu phát triển cơ bản của bệnh viện.

Sở này nhận định tự chủ bệnh viện trong thời gian qua đã làm xuất hiện khoảng cách “giàu nghèo” giữa các bệnh viện tại TP.HCM, đặc biệt sau COVID-19. Bệnh viện đa khoa thu nhập giảm hơn bệnh viện chuyên khoa, điều này dẫn đến nhân viên y tế bệnh viện đa khoa nghỉ việc nhiều hơn.

Thứ năm, Sở Y tế TP kiến nghị TP thành lập hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện giúp hướng dẫn, tư vấn những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính của các bệnh viện. Hội đồng này sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố các giải pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động của các bệnh viện. Thành viên Hội đồng tư vấn bao gồm đại lãnh đạo các sở, ngành như y tế, tài chính, kế hoạch đầu tư, tư pháp…

Thứ sáu, cơ quan quản lý y tế TP kiến nghị chính quyền TP có cơ chế chính sách cho phép ngành y tế triển khai thí điểm chuyển đổi mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện tương ứng với loại hình tự chủ của bệnh viện.

Cụ thể, có thể triển khai hội đồng quản lý 2 cấp như nhiều nước thay vì chỉ có ban giám đốc bệnh viện như hiện nay. Trước mắt, có thể chọn Bệnh viện Mắt TP.HCM triển khai thí điểm mô hình này sau khi đã thí điểm thi tuyển chức danh giám đốc bệnh viện.

Theo mô hình hội đồng quản lý bệnh viện 2 cấp đã được thực hiện tại Cộng hoà Síp và một số nước, Hội đồng quản trị bệnh viện (Board of Directors – BOD) là hội đồng cao nhất. Ngoài chủ tịch và phó chủ tịch, Hội đồng quản trị còn bao gồm các thành viên là đại diện của các Bộ (Sở) Tài chính, Bộ (Sở) Y tế, đại diện chính quyền địa phương, đại diện người bệnh (hội đồng người bệnh) và các giám đốc và phó giám đốc chuyên môn của bệnh viện.

Dưới Hội đồng quản trị là Ban điều hành bệnh viện (Executive Board) bao gồm các giám đốc, phó giám đốc và các trưởng phòng chức năng như hiện nay.

Việc đổi mới mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện sẽ giúp các nhà quản lý chính xác hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn khi ra các quyết định liên quan đến sử dụng nguồn lực của bệnh viện nhờ có các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, đầu tư,…

Nguyễn Quân