Hơn 40 ngày kể từ khi kiểm soát dịch theo Nghị quyết 128, UBND TP.HCM vừa yêu cầu khẩn các địa phương tăng kiểm soát chặt di biến động dân cư, nắm tình hình người dân ra, vào, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp như lái xe, phụ xe đường dài, lao động ngoại tỉnh…

di bien dong dan cu 1
Một người dân đang quét mã QR code để vào biểu mẫu khai báo “di biến động dân cư”, TP.HCM, tháng 8/2021. (Ảnh minh họa: ttbc-hcm.gov.vn)

Theo tin từ Tuổi Trẻ, ngày 23/11, UBND TP.HCM ban hành văn bản khẩn về tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Công văn này cho hay thời gian gần đây số ca mắc mới ở TP Thủ Đức và các quận, huyện đều có xu hướng tăng, nhất là tại TP Thủ Đức, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.

Trước tình hình đó, UBND TP.HCM yêu cầu TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo phường, xã, thị trấn thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, Quyết định 4800 của Bộ Y tế và Quyết định 3900 của UBND TP; giải pháp đề ra phải thống nhất, chủ động, không cục bộ, “cát cứ” hoặc ban hành quy định vượt quá mức cần thiết.

Đáng lưu ý, chính quyền TP yêu cầu các địa phương phải xem việc “thần tốc” truy vết, xét nghiệm là then chốt để sớm kiểm soát hiệu quả dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt theo diễn biến dịch, chuyển dần các vùng cấp độ 2, 3, 4 về cấp độ 1.

Các quận, huyện phải rà soát, đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin, nhất là mũi 2, tiêm lưu động, tiếp cận đối tượng có nguy cơ cao; đảm bảo thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; khoanh vùng cách ly trên phạm vi hẹp nhất có thể. Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế có lộ trình và ở những nơi an toàn, đủ điều kiện.

Đối với việc quản lý người dân, UBND TP yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm soát chặt di biến động dân cư, nắm tình hình người dân ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc…

Về phía ngành y tế, Sở Y tế TP được yêu cầu giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng (SVP), giám sát trọng điểm COVID-19, giám sát dựa vào sự kiện (EBS), sớm phát hiện trường hợp nghi mắc COVID-19 tại cộng đồng; sẵn sàng thiết lập trạm y tế lưu động ở phường, xã, bổ sung nhân lực cho trạm y tế phường có ca mắc tăng cao…; hoàn chỉnh kế hoạch sẵn sàng thiết lập hệ thống điều trị bao gồm các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học… được yêu cầu thực hiện nghiêm biện pháp phòng ngừa dịch, cập nhật thường xuyên lên hệ thống An toàn COVID-19; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”; đảm bảo an toàn ở khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp đông công nhân, trường học.

Thông báo trên được ban hành chỉ một ngày sau khi TP.HCM công bố cập nhật cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Cập nhật đến ngày 18/11, TP.HCM đạt cấp độ 2 (vùng vàng – nguy cơ trung bình).

Theo công bố này, đối với cấp quận huyện và TP Thủ Đức, có 11/22 địa phương đạt cấp độ 1 (quận 1, quận 4, quận 6, quận 7, quận 8, quận 11, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi); 11/22 địa phương đạt cấp độ 2 (quận 3, quận 5, quận 10, quận 12, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè).

So với tuần trước, có 2 quận tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận 5, quận Phú Nhuận (cấp 1 lên cấp 2); có 4 quận giảm cấp độ dịch là quận 11, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi (cấp 2 xuống cấp 1), huyện Cần Giờ (cấp 3 xuống cấp 2).

Đối với cấp phường, xã, thị trấn, có 150/312 địa phương đạt cấp độ 1, 157/312 địa phương đạt cấp độ 2, 5/312 địa phương đạt cấp độ 3 (phường 15 và phường 13 thuộc quận 10; xã An Thới Đông và xã Bình Khánh thuộc huyện Cần Giờ; Thị trấn Nhà Bè).

Giải pháp kiểm soát “di biến động dân cư” được TP.HCM áp dụng từ tối ngày 12/8, yêu cầu khi người dân phải kê khai thông tin di biến động khi đi qua 12 chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 cấp Thành phố. Người dân được hướng dẫn truy cập vào suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, điền các thông tin vào các ô trong biểu mẫu khai báo, nhập mã xác thực và gửi. Sau khi nhận được mã QR code, người dân xuất trình mã QR code này cho cán bộ tại chốt kiểm dịch kiểm tra thông tin kèm theo Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân rồi mới được qua chốt.

Theo Cổng thông tin TP.HCM ngày 12/8, việc triển khai cho người dân kê khai thông tin di biến động khi di chuyển qua 12 chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 cấp Thành phố có mục đích là nhằm “khẩn trương triển khai phần mềm quản lý di biến động của người ra vào vùng dịch” trên nền tảng dữ liệu dân cư quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đến chiều 15/8, Công an TP HCM thông báo tạm dừng khai báo “di biến động cư dân” bằng mã QR tại các chốt kiểm soát ở nội địa TP HCM, vẫn việc khai báo sức khỏe theo mã QR của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an (giữa TP với các tỉnh và giữa huyện của TP với huyện của các tỉnh giáp ranh) đối với người ra vào TP.

Sau 15 ngày tạm ngưng, các chốt kiểm soát khu vực nội đô tiếp tục kiểm tra việc khai báo “di chuyển nội địa” từ sáng 29/8, có cải tiến các bước song vẫn gây ùn ứ. Đến ngày 30/9, TP.HCM gỡ toàn bộ các chốt kiểm soát nội đô; ngày 26/10, gỡ 12 chốt kiểm soát ra vào TP; việc khai báo “di biến động dân cư” cũng theo đó dừng lại.

Nguyễn Quân

Xem thêm: