Phó giám đốc Sở Y tế Hòa Bình Bùi Thu Hằng cho rằng việc cựu giám đốc Trương Quý Dương thành lập đơn nguyên lọc máu chạy thận tại Khoa hồi sức tích cực (BVĐK Hòa Bình) là đúng quy định.

phien toa xet xu ngay 16
Phiên tòa xét xử ngày 16/1. (Ảnh chụp màn hình)

Chiều ngày 16/1, VKS và các luật sư hỏi bà Bùi Thu Hằng – đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình liên quan đến trách nhiệm của Sở này trong sự cố 9 người chết do chạy thận.

VKS hỏi đại diện Sở Y tế về việc cựu giám đốc Trương Quý Dương ra quyết định thành lập đơn nguyên lọc máu chạy thận trong Khoa hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình đúng hay sai?.

Bà Hằng cho biết việc thành lập là do căn cứ nhu cầu chạy thận của bệnh viện; phù hợp với quyết định của Bộ Y tế về đề án kỹ thuật. Do đó, bà Hằng khẳng định việc quyết định thành lập đơn nguyên của cựu giám đốc Trương Quý Dương vào thời điểm đó là đúng quy định, thẩm quyền. Việc thành lập này không cần báo cáo Sở Y tế xin ý kiến vì chỉ khi thành lập khoa mới áp dụng thủ tục này. Đơn nguyên chạy thận chỉ là một bộ phận trong khoa.

VKS hỏi tiếp theo kết quả điều tra thực tế, quy chế của bệnh viện và Đơn nguyên thận nhân tạo, quy định vị trí việc làm phải có kỹ thuật viên. Từ năm 2014 đến khi xảy ra sự cố y khoa là 3 năm, đơn nguyên này không có kỹ thuật viên, có nghĩa là Đơn nguyên lọc máu không đầy đủ vị trí việc làm, trách nhiệm này có liên quan đến Sở Y tế không?

Bà Hằng cho biết trách nhiệm là của bệnh viện, không thể nói của Sở Y tế được. Hàng năm, Sở đều có văn bản tổng kết, đánh giá việc thực hiện các kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Trong giai đoạn từ khi thành lập đơn nguyên chạy thận nhân tạo đến khi xảy ra sự cố, Sở Y tế đã thực hiện bao nhiêu cuộc thanh tra với bệnh viện tỉnh Hòa Bình, đặc biệt với khoa hồi sức tích cực và phòng vật tư?“, VKS hỏi, đại diện Sở Y tế trả lời một năm theo định kỳ thường xuyên là hai lần và có thể đột xuất, còn công tác thanh tra hàng năm cũng thực hiện theo quy định.

Việc đánh giá sai nguyên nhân xảy ra sự cố y khoa chạy thận nhân tạo dẫn đến việc cấp cứu sai quy trình, gây ra sự cố nghiêm trọng, đại diện Sở Y tế trả lời thế nào?“, VKS truy vấn.

Bà Hằng cho hay việc đánh giá, chẩn đoán ngay thời điểm đó rất khó. Bệnh viện đã xử lý phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Sở cũng xin ý kiến tư vấn của Bệnh viện Bạch Mai để kịp thời cứu chữa các bệnh nhân lọc máu.

Cũng tại phiên xét xử, viện dẫn văn bản trả lời của Sở Y tế Hòa Bình, luật sư Trần Hồng Phúc cho hay Sở Y tế xác định bác sĩ Lương không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước RO, việc ra y lệnh của Lương là đúng, việc xác nhận của Hoàng Công Lương vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại cũng đúng. Điều này nghĩa là sao?

Bà Hằng cho rằng việc phân công nhiệm vụ của Lương bà không biết nên đề nghị luật sư hỏi đại diện BVĐK Hòa Bình.

Luật sư Phúc hỏi tiếp “Theo bà, trong sự cố ngày 29/5, bác sĩ Hoàng Công Lương có sai sót về chuyên môn không?“. Bà Hằng nói Lương và các bác sĩ khác thực hiện phù hợp với diễn biến của bệnh nhân đang chạy thận lọc máu, không sai về quy trình. Còn các vấn đề khác, có đúng quy trình hay không còn phải phụ thuộc vào phân công của lãnh đạo bệnh viện.

Ngày mai, HĐXX tiếp tục làm việc.

Hoàng Minh

Xem thêm: