Theo thống kê, tính từ đầu năm 2022 đến nay, dịch sốt xuất huyết tăng cao ở khu vực phía nam với gần 40.000 ca mắc và 36 ca tử vong.

sot xuat huyet 1
Theo thống kê, dịch sốt xuất huyết tăng cao ở khu vực phía nam với gần 40.000 ca mắc và 36 ca tử vong tính từ đầu năm 2022 đến nay. (Ảnh: TTXVN)

Bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết tính từ đầu năm 2022 đến nay, khu vực phía nam có 39.317 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện, trong đó có 1.193 ca nặng.

“Từ đầu năm đến nay, theo số liệu cung cấp từ các cơ sở y tế ghi nhận 36 ca tử vong. Số ca mắc, tử vong đang tăng rất nhanh trong 4 tuần đây, chiếm gần 50% số ca mắc và 45% ca tử vong tích lũy từ đầu năm đến nay”, bác sĩ Quang nói.

Các tỉnh thành có số ca mắc tăng cao: TP.HCM, Bình Dương, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương… Trong đó, TP.HCM và Bình Dương mỗi nơi có 8 ca tử vong do sốt xuất huyết, Đồng Nai 5 ca, Tây Ninh 5 ca.

Theo ông Quang, so với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết ở khu vực phía nam tăng gần gấp đôi, số ca mắc trên 100.000 dân tăng 82%, tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc tăng 4,5 lần, tỷ lệ tử vong trên số ca mắc nặng tăng 2 lần.

Ông Quang cho hay mọi năm, khu vực miền Tây chiếm 10% ca tử vong do sốt xuất huyết. Tuy nhiên, mới 5 tháng đầu năm nay, số tử vong tại khu vực này đã lên đến 25%. Đây là điểm bất thường.

Ngoài ra, số trẻ em tử vong do căn bệnh này cũng cao hơn so với người lớn. Trong khi những năm trước, số lượng người lớn thường cao hơn.

Qua giám sát thường xuyên, bác sĩ Lương Chấn Quang nhận định type virus Dengue gây ra sốt xuất huyết năm nay vẫn là DEN-1, type DEN-2 giảm xuống đáng kể. Nhiều năm qua, ngành y tế không ghi nhận type DEN-3 lưu hành ở phía Nam.

Tuy nhiên, qua xét nghiệm PCR ngẫu nhiên ở 3 tỉnh, thành có dịch sốt xuất huyết “nóng” là Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Nai, type virus Dengue được phát hiện là DEN-2.

Về nguyên nhân dẫn đến ca tử vong tăng cao, TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết qua thảo luận cùng các chuyên gia, nguyên nhân ban đầu chủ yếu do người dân còn khá chủ quan với sốt xuất huyết, đến bệnh viện/phòng khám tư nhân, đến khi chuyển nặng mới nhập viện.

Khi bệnh nhân hết sốt, người nhà thường nghĩ rằng đã khỏi bệnh mà không theo dõi. Thực tế, đây là thời điểm nguy hiểm với bệnh nhân sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ em, TS Dương nói.

Ngoài ra, sau dịch COVID-19, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì cao hơn. Thực tế ghi nhận số ca tử vong trên trẻ thừa cân, béo phì rất cao. Nhân lực y tế có sự xáo trộn sau dịch, trong khi nhân lực mới chưa kịp tập huấn và đào tạo.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua muỗi vằn mang virus gây bệnh (muỗi Aedes aegypti).

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết hiện TP.HCM đã bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch, trung tâm khuyến cáo:

  • Dành 10 – 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi như: lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối…
  • Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi;
  • Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng;
  • Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.

Minh Long