Dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Tây Nguyên với hơn 7.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó có  4 ca tử vong.

Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết khu vực Tây Nguyên tổ chức ngày 07/8 tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, 4 tỉnh Tây Nguyên có 7.411 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 trường hợp tử vong.

Khu vực này có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết là 168/100.000 dân, cao hơn nhiều so với cả nước là 48,2/100.000 dân, trong đó tỉnh Gia Lai có số trường hợp mắc sốt xuất huyết cao nhất.

Theo công điện khẩn của Bộ Y tế gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay, Gia Lai ghi nhận 3.791 trường hợp mắc bệnh, xảy ra trên diện rộng tại 17/17 huyện, thành phố, số ca bệnh tăng mạnh vào tháng 6-7.

Tại TP. Pleiku, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế ghi nhận nhiều hộ gia đình sử dụng thùng phuy chứa nước mưa không đậy nắp, nhiều lốp (vỏ) xe công nông cũ không còn sử dụng để ngoài vườn, chai lọ, chum vại và nhiều vật chứa nước đọng khác không được xử lý, tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng và nhiều lăng quăng (bọ gậy) phát triển.

tay nguyen bung phat dich sot xuat huyet
Nước lưu trữ trong nhiều lốp xe cũ là nơi thuận lợi cho lăng quăng (bọ gậy) phát triển. (Ảnh: vncdc.gov.vn)

Dịch sốt xuất huyết hiện đang có nhiều diễn biến phức tạp tại các nước trên thế giới; ở Việt Nam, sốt xuất huyết xảy ra tại 48 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tính từ đầu năm 2016 đến nay, cả nước ghi nhận 49.049 trường hợp, trong đó có 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, số ca mắc bệnh tăng cao và có nguy cơ lan rộng, tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên như: Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, Đồng Tháp, TP.HCM, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông.

Nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua được xác định là do hiện tượng El nino khiến thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ tăng khiến lăng quăng (bọ gậy) phát triển, thêm vào đó, tại một số khu vực trước đây không lưu hành sốt xuất huyết (như khu vực Tây Nguyên) nên khả năng miễn dịch thấp, dẫn đến dễ mắc bệnh. Bên cạnh đó, người dân còn chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Hải Linh

Xem thêm: