Chỉ riêng trong tháng 1/2021, báo chí nhà nước loan tin đã có 4 trường hợp tử vong sau khi làm việc với công an, mà lý do đều là “tự tử”.

tu tu
Ít nhất 4 người chết do ‘tự tử’ sau khi làm việc với công an trong tháng 1/2021. (Ảnh minh họa: shutterstock)

Hôm 19/1, báo chí nhà nước loan tin cho biết một người đàn ông bị tạm giữ tại trụ sở công an huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) đã bất ngờ nhảy từ lầu 2, tử vong.

Tờ Pháp luật TP.HCM cho biết người đàn ông tên Võ Văn Xếp (51 tuổi, sống ở thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú), bị công an bắt vào hôm 14/1 do “thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản với thủ đoạn giả danh nhà hảo tâm đi làm từ thiện”.

Cũng theo tờ báo, chiều 18/1, điều tra viên công an Thạnh Phú tiếp tục làm việc với ông Xếp trong tình trạng người này bị còng tay. Tại đây, ông Xếp khai đã giấu một nhẫn vàng ở hội trường lầu 2 trụ sở công an huyện đã trộm trong một vụ khác khi làm việc ngày 14/1. Lúc này điều tra viên đưa ông Xếp lên hội trường để lập biên bản thu giữ nhẫn vàng.

“Trong lúc được đưa lên hội trường, ông Xếp bất ngờ nhảy từ lầu 2 xuống sân. Ngay khi xảy ra vụ việc, công an huyện đã đưa ông Xếp đi cấp cứu tuy nhiên nạn nhân đã tử vong”, tờ báo viết.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, tại Việt Nam đã có ít nhất 4 người chết vì lý do tự tử sau khi làm việc với công an.

Công an thành phố Tây Ninh hồi đầu tháng 1/2020 cho biết ông Phan Quốc Thắng (47 tuổi, sống ở phường 1), người đâm trọng thương một thượng úy công an, đã treo cổ tử vong, chỉ sau một ngày bị bắt tạm giam.

Tuần trước, một người đàn ông tên T. (31 tuổi ở xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) cũng được phát hiện “tự tử sau nhà”, sau nhiều lần bị công an địa phương bắt đi thẩm vấn vì khai thác gỗ trái phép.

Tuy nhiên, công an huyện Kon Rẫy không phát ngôn về vụ việc vì cho rằng không có thẩm quyền.

Mới đây hôm 16/1, bà Triệu Ngọc Bình cho biết công an thông báo con trai bà là Dương Quốc Minh (sinh năm 1998) đã tử vong sau một thời gian bị giam tại trại giam Chí Hòa.

Lý do tử vong được công an đưa ra là do tự tử. Tuy nhiên, theo bà Bình, thân thể con trai bà có nhiều vết bầm tím.

Trước đó hồi năm 2015, trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cho biết trong 3 năm (từ tháng 10/2011 – 9/2014), Việt Nam có 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam. Bộ Công an lý giải nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này là “do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát.”

Sau thời điểm trên, giới chức Việt Nam không đưa ra các con số thống kê công khai về số người chết trong khi bị tạm giam, tạm giữ.

Hồi tháng 5/2020, báo chí nhà nước dẫn lời Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên đội trưởng Đội thanh tra Pháp luật công an TP. Hà Nội khẳng định “việc bức cung, dùng nhục hình ở nước ta vẫn tồn tại”, các vụ án oan sai là “có thật”.

Lý do xảy ra tra tấn ép cung, theo ông Hùng là vì “thành tích phá án” nên “ép cung bằng được, thậm chí bức cung, nhục hình, tạo thêm chứng cứ không khách quan. Có những trường hợp làm giả chứng cứ, sửa cả hồ sơ để cố tình buộc tội. Khâu truy tố, xét xử cũng vậy, vì thành tích rồi xử lý ép hoặc bị quy kết như điều tra bảo làm đủ rồi, ông kiểm sát không truy tố là bỏ lọt tội phạm.”

Thống kê sơ bộ, năm 2020, có khoảng 8 trường hợp chết bất thường trong khi bị tạm giam.

Hoàng Minh (t/h)