Thêm 16 ngư dân Việt Nam bị phía Malaysia bắt giữ với cáo buộc đánh cá trộm trong vùng biển của nước này. Những sai phạm tiếp tục kéo dài dù số người Việt bị bắt, tính riêng tại Malaysia, đã lên tới hàng nghìn người trong hơn 10 năm qua.

ngu dan phu yen 1
Một tàu cá ở Phú Yên, tháng 5/2020. (Ảnh minh họa: Nguyen Quang Ngoc Tonkin/Shutterstock)

Trang Malaysia Kini (Malaysia) ngày 24/1 dẫn nguồn tin của hãng thông tấn Bermana cho hay 16 ngư dân Việt Nam trên 2 chiếc tàu cá đã bị Cơ quan Thực thi Pháp luật Hàng hải Malaysia (MMEA) ở bang Terengganu bắt giữ do xâm phạm và đánh cá trong vùng biển của Malaysia.

Giám đốc MMEA của Terengganu – ông Muhammad Suffi Mohd Ramli cho biết hai tàu cá bị bắt ở vị trí 93 và 118 hải lý về phía đông bắc Kuala Terengganu vào khoảng 4h chiều thứ Sáu (22/1).

“Các cuộc kiểm tra tiến hành trên hai tàu cho thấy 16 thuyền viên bao gồm cả thuyền trưởng, tuổi từ 18 đến 62, không có bất kỳ giấy tờ tùy thân hợp lệ nào cũng như không có bất kỳ giấy phép nào để đánh cá trong vùng biển của Malaysia”, ông Muhammad Suffi nói. “Hai tàu, ngư cụ, thủy sản đã đánh bắt và nguồn dầu diesel trên tàu với tổng số tiền ước tính khoảng đều bị thu giữ”.

MMEA nghi ngờ cả hai tàu đều sử dụng số hiệu đăng ký giả. Các ngư dân được đưa đi xét nghiệm virus corona trước khi bị đưa đi giam giữ, ông Muhammad Suffi cho hay.

Malaysia nhiều lần bắt giữ ngư dân và các tàu đánh cá của Việt Nam với cáo buộc xâm phạm vùng biển của nước này. Năm 2020, một ngư dân Việt Nam bị lực lượng tuần tra của Malaysia bắn chết ngoài khơi bang Kelantan vào đêm 16/8/2020. Trong thông cáo phát ngày 17/8, Cơ quan Thực thi Pháp luật Malaysia (MMEA) cáo buộc 19 ngư dân Việt Nam đã chống trả bằng vật cứng và bom xăng, do đó, phía Malaysia nổ súng để tự vệ. Cũng theo MMEA, 18 người bị bắt sẽ bị điều tra các tội đánh bắt trái phép hải sản, chống người thi hành công vụ và cố ý giết người.

Ba tháng trước đó, ngày 8/5, Malaysia đã trao công hàm cho Đại sứ Việt Nam tại Kuala Lumpur để phản đối việc nhiều tàu cá Việt Nam đã xâm phạm vùng biển của nước này. Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết có tổng cộng 748 tàu Việt Nam và 7.203 người bị cơ quan chức năng Malaysia giam giữ từ năm 2006 tới năm 2019.

“Những hành động xâm phạm lãnh hải Malaysia của các ngư dân Việt Nam không chỉ gây ra mối đe dọa cho các công dân Malaysia mà còn là sự vi phạm chủ quyền và quyền toàn vẹn lãnh thổ của Malaysia.”“việc ngư dân Việt Nam xâm phạm nhiều lần sẽ chỉ cản trở nỗ lực tăng cường quan hệ của cả hai nước”, theo tuyên bố của Malaysia, dẫn theo New Strait Times (Malaysia).

Tại thời điểm trên, Đại sứ Việt Nam Lê Quý Quyn cho biết với Chính phủ Malaysia rằng việc xâm phạm của các tàu cá Việt Nam là bất hợp pháp theo luật pháp Việt Nam và chính quyền địa phương sẽ được thông báo về vấn đề này.

Tuy nhiên, trong một nhận định về tin tức trên, RFA ngày 10/5/2020 dẫn ý kiến của ngư dân (giấu tên) cho rằng nguồn cá tôm tại vùng biển Việt Nam đã cạn kiệt nhiều vì cách đánh bắt không giới hạn kích cỡ, còn vùng biển khác dồi dào nên làm liều vì thu lợi lớn, trong khi một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cho rằng còn thêm tình trạng ngư trường bị phía Trung Quốc quấy nhiễu.

bien viet nam can kiet
Ngư dân bán cá vừa đánh bắt ngay trên bờ biển với nhiều chủng loại, lớn nhỏ, Đà Nẵng, tháng 12/2018. (Ảnh minh họa: CK Travels/Shutterstock)

Tình trạng biển cạn kiệt đã được thừa nhận trước đó bởi một quan chức cao cấp thuộc Chính phủ. Trong một phiên chất vấn Quốc hội vào ngày 6/11/2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – ông Nguyễn Xuân Cường cho hay Việt Nam đang đánh bắt thủy sản quá mức. Trữ lượng trung bình ước tính vào khoảng 4,7 triệu tấn nhưng hàng năm Việt Nam đang khai thác khoảng 3,1 – 3,2 triệu tấn. “Điều này là quá mức”, ông Cường nói. Nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và nội địa đã bị khai thác quá giới hạn cho phép, suy giảm cả về trữ lượng, sản lượng và kích thước, thành phần loài.

Không chỉ tại Malaysia, số lượng lớn ngư dân Việt Nam cũng bị phía Indonesia bắt giữ với cáo buộc đánh cá trộm trong vùng biển của nước này. Theo một thống chưa chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, 17 tàu và 140 ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ.

Nguyễn Minh

Xem thêm: