Giới chức tỉnh Thanh Hóa vừa bị Bộ Công an yêu cầu cung cấp tài liệu phục vụ điều tra vụ án hình sự đưa người Việt Nam từ nước ngoài về nước trong các đợt bùng phát dịch COVID-19.

thanh hoa cach ly
Hồi năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, 27 huyện, thị trong tỉnh Thanh Hóa đã kích hoạt lại các khu cách ly tập trung. (Ảnh: covid19.gov.vn)

Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa rà soát, kiểm tra và cung cấp thông tin, tài liệu đối với khách sạn, resort đã nộp để xin là địa điểm cách ly đón công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương trên những chuyến bay tự trả phí cách ly.

Ngoài ra, Bộ Công an đề nghị địa phương trên cung cấp tài liệu thể hiện quá trình giải quyết từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi ban hành quyết định lựa chọn địa điểm cách ly, danh sách những cá nhân tham gia quá trình xét duyệt hồ sơ của khách sạn, resort.

Bộ Công an cũng yêu cầu thống kê, cung cấp toàn bộ hồ sơ những doanh nghiệp được cấp và không được cấp chủ trương cách ly, lý do không cấp chủ trương cách ly, những doanh nghiệp cấp chủ trương cách ly nhưng không tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước.

Đối với việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về cách ly, Bộ Công an yêu cầu hồ sơ doanh nghiệp báo cáo xin tổ chức chuyến bay sau khi đã được tổ 5 bộ cấp phép thực hiện; cung cấp danh sách đoàn giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly, cung cấp cam kết, công khai bảng giá dịch vụ.

Theo cơ quan chức năng, năm 2021, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao tổ chức 173 chuyến bay, đưa hơn 50.000 công dân thuộc diện ưu tiên về nước.

Bộ Ngoại giao phối hợp với bộ, ngành tổ chức hơn 400 chuyến bay đưa về nước trên 70.000 người.

Tổng số chuyến bay về nước trong năm 2021 là gần 600 chuyến và đưa khoảng 120.000 công dân hồi hương.

Thời gian qua, cơ quan chức năng Việt Nam đã khởi tố 21 bị can vì sai phạm liên quan đến vụ việc trên.

Tại Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ có Vụ trưởng Nguyễn Thanh Hải cùng 2 chuyên viên Nguyễn Mai Anh, Nguyễn Tiến Thân bị xử lý. Mới đây, ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó thủ tướng Thường trực, cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Tại Bộ Ngoại giao, 7 bị can liên quan, gồm: Thứ trưởng Tô Anh Dũng; Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan; cục phó Đỗ Hoàng Tùng; Chánh văn phòng Cục Lãnh sự Lê Tuấn Anh; Phó phòng Bảo hộ công dân Lưu Tuấn Dũng; Nguyễn Hồng Hà (nguyên cán bộ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản); Nguyễn Lê Ngọc Anh (cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia).

Bộ Giao thông Vận tải có một bị can là Ngô Quang Tuấn, chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế. Bộ Y tế có 2 bị can là Phạm Trung Kiên, chuyên viên Vụ trang thiết bị công trình y tế và Bùi Huy Hoàng, chuyên viên Cục Y tế dự phòng.

Tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an, 3 người bị khởi tố gồm cựu Cục phó Trần Văn Dự và cán bộ Vũ Sỹ Cường và Vũ Anh Tuấn.

Bốn bị can khác thuộc các công ty du lịch, gồm: Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình), Nguyễn Tiến Mạnh (Phó giám đốc Công ty CP du lịch thương mại Lữ Hành Việt, Giám đốc Công ty vận tải du lịch Hoàng Long Luxury), Nguyễn Thị Tường Vi (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đầu tư ATA Việt Nam), Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty TNHH G Việt Nam 19). Bị can còn lại là Hoàng Anh Kiếm, nghề nghiệp tự do.

Hồi cuối tháng 6/2022, cơ quan điều tra cho biết kết quả điều tra bước đầu đã chứng minh các bị can nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn USD.

Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết có gần 2.000 “chuyến bay giải cứu” người Việt từ nước ngoài về trong các đợt COVID-19 vừa qua. Mỗi chuyến bay sau khi trừ chi phí, lợi nhuận vài tỷ đồng.

Phạm Toàn