Nhiều hạng mục của cảng Bến Đình (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã bị sóng biển làm hư hỏng. Lớp bê tông bề mặt bị sóng “lột” từng mảng.

cang ben dinh quang ngai ly son
Nhiều hạng mục của cảng Bến Đình bị hư hỏng. (Ảnh chụp màn hình)

Cảng Bến Đình (nằm ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) có tổng mức đầu tư hơn 256 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách trung ương là 100 tỷ đồng), được khởi công tháng 11/2016, do Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, sau đó chuyển sang cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án gồm các hạng mục chính: Bến cập tàu dài 87m, cầu dẫn dài 153m, kè bảo vệ bờ, diện tích khu lấn biển 4,8ha, khu vực cảng 3,1ha; nhà ga rộng 1.000m2, nhà làm việc 250m2…

Sau khi hoàn thành, cảng Bến Đình sẽ trở thành khu trung tâm vận tải hàng hóa có thể tiếp nhận cùng lúc 1 tàu có trọng tải 2.000 tấn, 1 tàu trọng tải 1.000 tấn, một tàu khách công suất 400 ghế, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân cùng khách du lịch trong nước và quốc tế.

Theo dự kiến, dự án cảng Bến Đình sẽ hoàn thành sau 18 tháng thi công. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa được nghiệm thu và đưa vào hoạt động.

Điều đáng nói, hiện công trình đã xuất hiện hàng loạt vết nứt, bong tróc, hư hỏng. Bên trong nhà ga hành khách có nhiều vết bong tróc vật liệu, la phông bị lột, gạch, cửa kính bị đổ vỡ nằm la liệt. Không chỉ ở bên trong nhà ga, gạch lót bên ngoài công trình cũng bị sóng biển lột nhiều mảng lớn.

Đáng chú ý, không chỉ các kết cấu vật liệu dễ tổn hại như kính, thạch cao, kể cả các kết cấu bằng thép và bê tông cũng hư hỏng khiến cho dư luận đặt dấu hỏi về chất lượng công trình.

Ông Đỗ Vũ Bảo, Phó giám đốc Ban quản lý dự án giải thích khi dự án đã “cơ bản hoàn thành” thì liên tiếp gặp hai trận bão lớn vào hồi cuối năm 2020, đặc biệt là cơn bão số 9. Khi đó, sóng biển “liên tục tác động đến công trình” khiến lớp bê tông mặt, làm một số hạng mục hư hỏng. Tuy nhiên, kết cấu chính của công trình “vẫn an toàn”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng cảng Bến Đình chưa đưa vào sử dụng được do nhiều yếu tố, trong đó liên quan đến quy hoạch cảng, theo tờ Zing hôm 3/10/2020.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Việt, Bí thư, Chủ tịch huyện Lý Sơn cho biết, huyện cũng đã nhiều lần có văn bản gửi tỉnh và chủ đầu tư kiến nghị nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên đến nay, việc này vẫn chưa được tiến hành.

Theo tờ Lao Động, tại huyện Lý Sơn, cảng Lý Sơn hiện cũng đã xuống cấp, quá tải, do nhiều năm qua cùng lúc phải phục vụ cho hoạt động tàu cá, tàu vận tải hàng hóa, hành khách.

Ông Trần Văn Quang, ngư dân ở Lý Sơn nói: “Cảng đã xây dựng hơn 20 năm rồi. Bây giờ tàu cá, tàu hàng, tàu khách đông quá nên quá tải, trong trường hợp lưới rút, lưới ba, lưới cơm về neo đậu nên xảy ra nhiều sự cố, tai nạn. Các phương tiện mất rất nhiều thời gian cập cảng”.

Lý Sơn có hơn 550 tàu cá, 7 tàu vận tải hàng hóa, 6 tàu khách cùng nhiều phương tiện tàu thuyền công suất nhỏ. Mọi hoạt động của tàu cá, tàu vận tải tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn đều diễn ra vào buổi sáng, nên tình trạng quá tải, phức tạp, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều rủi ro kéo dài nhiều năm liền.

Theo ông Lê Văn Sơn – Đội Trưởng Đội bốc xếp cảng Lý Sơn: “Người dân Lý Sơn mong muốn có thêm cảng giao thông riêng dành cho người dân và khách du lịch đi lại. Cảng này nên để riêng cho hoạt động tàu cá. Dùng chung như hiện nay vừa quá tải, lại mất vệ sinh, khách du lịch bị phiền hà”.

Minh Long

Nhà hát gần 200 tỷ đồng ở Huế mới dùng hơn nửa năm đã hư hỏng là do ‘bão số 5’?