Không may đánh rơi 30 triệu đồng trên đường nhưng bị nhiều người nhặt mất, cô gái khóc xin mọi người trả tiền nhưng không được, dù có hình ảnh trích xuất từ camera an ninh.

hoi tien tphcm
Đám đông xúm lại nhặt tiền bị đánh rơi trên đường D4, phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM, trưa 28/1. (Ảnh cắt từ clip)

Sự việc xảy ra trên đường D4, phường Tân Hưng (Q.7, TP.HCM) vào trưa ngày 28/1. Theo đoạn clip trích xuất từ camera an ninh, một sấp tiền bất ngờ rơi xuống mặt đường. Một vài xe máy, ô tô chạy chậm chậm qua. Nhưng ngay sau khi một phụ nữ từ bên đường chạy ra vơ tiền, nhiều người đi xe máy qua cũng lập tức dựng xe ngay lòng đường cùng lao vào hôi của.

Trong đó, có một phụ nữ chở đứa trẻ dừng xe rồi cho đứa trẻ chạy xuống nhặt tiền. Chỉ trong vòng 15 giây, cả đám đông ùa ra gom sạch số tiền trên.

Tài khoản đăng clip cho biết mình là người đánh rơi số tiền trên, tên là Bảo Trân (25 tuổi, quê Long An). Theo lời chị Trân, khoảng 11h trưa 28/1, chị rút 30 triệu đồng tích cóp trong một năm qua tại một ngân hàng ở quận 1 và chạy xe máy sang quận 7 để trả nợ. Số tiền chị bỏ trong túi áo và có buộc thun nhưng không may đánh rơi trên đường D4 (phường Tân Hưng).

Đi tiếp được một đoạn và được người đi đường đuổi theo nhắc, chị Trân mới biết mình đánh rơi tiền, quay lại thì không kịp nữa. Được mọi người nói cho biết người đầu tiên nhặt được tiền là cô bán nước, chị Trân tới năn nỉ, van xin cô trả lại số tiền đã nhặt được và gửi một chút hậu tạ, nhưng cô bán nước và con trai tỏ ra hung hăng, không thể nói chuyện. “Phải đến khi mình ức phát khóc và bảo sẽ báo công an thì cô mới nói chỉ nhặt được 4 triệu và chỉ trả 4 triệu. Dù trước đó cô nhặt được gần hết số tiền còn những người nhặt được khác là người đi đường”, chị Trân cho biết.

Clip trích xuất từ camera an ninh ghi lại hình ảnh vụ “hôi của”, được đăng trên mạng xã hội. 

“Sau khi trích lục camera nhà dân gần đó thì được đoạn video này. Cho em hỏi trong video cô nhặt gần hết số tiền nhưng chỉ trả 4 triệu, em làm cách nào để lấy lại được tiền và cô có chịu trách nhiệm hình sự không? Video bằng chứng này đủ kiện cô không? Công an nói rớt tự chịu và còn nhiều công việc không rảnh xử lý vụ này, trả 4 triệu xem như xong. Nhưng tiền mồ hôi nước mắt, em đã năn nỉ và xin hậu tạ, video rõ ràng như vậy không lẽ em không làm được gì ạ? Em không ăn ngủ qua nay…” – chị Trân bối rối viết hỏi người dùng mạng.

Bạn của chị Trân cho biết chị Trân là trụ cột của gia đình ở quê, với cha mẹ và em 7 tuổi. Năm 2020, do dịch COVID-19 nên việc buôn bán quần áo của chị Trân thua lỗ, nợ nần. Sau khi xem clip, chủ nợ đã đồng ý cho chị Trân khất nợ, theo tin từ báo Thanh Niên ngày 30/1.

Sau khi được đăng, đoạn clip nhanh chóng được chia sẻ trên mạng và nhiều trang báo đưa tin. Hiện công an quận 7 (TP.HCM) đã căn cứ theo hình ảnh trích xuất camera và mời những người liên quan để xác minh làm rõ sự việc. Cơ quan công an kêu gọi những người liên quan nộp lại tiền đã nhặt trên đường D4 hôm 28/1, nếu cố tình không trả sẽ bị xem xét xử lý hình sự hoặc hành chính tuỳ theo mức độ.

Theo Điểm e Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, trường hợp nhặt được tài sản của người khác nhưng cố ý không trả được xếp vào hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác và có thể bị xử phạt từ 2-5 triệu đồng – luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết trên Vnexpress ngày 30/1.

Điều 176 Bộ luật Hình sự quy định Tội chiếm giữ trái phép tài sản, trong đó người cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp từ 10 triệu trở lên có thể bị phạt 10-50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Theo đó, Công an quận 7 sẽ tùy thuộc vào lượng tiền từng người nhặt và thái độ, hành vi hợp tác để xem xét xử lý.

Ngoài ra, hình ảnh trong camera thể hiện người phụ nữ chở đứa trẻ đến chỗ tiền rơi và cho trẻ xuống nhặt tiền, được cho là hành vi “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”, là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.

Cập nhật: 

Sau khi clip và thông tin về sự việc được truyền rộng trên các trang thông tin, trong 2 ngày 31/1 và 1/2, người phụ nữ bán nước và người đàn ông chạy xe ôm công nghệ (xe hiệu Air Blade) đã liên hệ cơ quan chức năng để trả lại số tiền nhặt được. Trong đó, người phụ nữ bán nước xin lỗi, trả lại 19 triệu, còn người đàn ông trả lại 1,5 triệu đồng.

Đến chiều ngày 2/2, một người đàn ông khác chuyển khoản trả cho chị Trân 1,5 triệu đồng. Theo đó, tính đến thời điểm trên, 3 trong 6 người nhặt tiền đã trả lại tiền cho chị Trân.

Ngoài ra, khi câu chuyện được lan truyền trong cộng đồng, nhiều người đã quyên góp tổng cộng được 14 triệu hỗ trợ chị Trân. Nhận được tiền quyên góp và được hoàn trả 22 triệu đồng, chị Trân đã trả nợ xong, xin phép không nhận thêm tiền hỗ trợ và về quê đón Tết với gia đình.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: