Năm 2018, giới chức Hà Nội đã đồng ý trồng 262 cây phong lá đỏ với kỳ vọng sẽ mang sắc màu châu Âu vào giữa lòng thành phố Hà Nội. Nhưng đến nay, 45 cây đã chết. 217 cây còn sống được thì lá bị héo; cành, nhánh bị khô và hay bị sâu bệnh.

cay phong
Hàng trăm cây phong đã được trồng trên dải phân cách phố Trần Duy Hưng. (Ảnh: Sơn Trà)

Truyền thông nhà nước hôm 5/4 cho biết ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Hà Nội đã đồng ý phương án “thay thế cây phong lá đỏ trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng” do Sở Xây dựng đề xuất tại văn bản số 1990 ngày 19/3/2021.

Theo đó, hai phương án được đề xuất gồm:

  • Trồng thay thế bằng toàn bộ cây bàng lá nhỏ, có đường kính thân cây 10- <15cm; chiều cao vút ngọn 6-8m.
  • Trồng đan xen giữa 1 cây bàng lá nhỏ có đường kính thân cây 10- <15cm; chiều cao vút ngọn 6-8m và 1 cây cọ dầu đường kính 40-60cm, chiều cao lộ thân ≥ 2m.

Dự kiến, việc trồng thay thế được thực hiện trong tháng 4/2021 và xong trước ngày 1/5.

Trước đó, hồi năm 2018, giới chức Hà Nội đã đồng ý trồng 262 cây phong lá đỏ (tuyến đường Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến đường Trần Duy Hưng trồng 143 cây) với kỳ vọng sẽ mang sắc màu châu Âu vào giữa lòng thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, dư luận đặt nhiều nghi vấn về khả năng phát triển của cây.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng: “Phải rất thận trọng khi trồng loại cây này, bởi thứ nhất đó là loại cây nhập ngoại, thứ hai phải xem cây đó có sống được trong khí hậu của Việt Nam hay không, thứ ba phải xem nó có ảnh hưởng đến những vấn đề khác hay không. Ví dụ, cây này rụng lá rất nhiều sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan và công việc cho người quét rác”.

Theo chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường – Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp, một loại cây đưa từ vùng ôn đới đến vùng nhiệt đới thì bản thân nó đã có sự khác biệt hoàn toàn về đất đai. Không thể cứ thấy cây phong đẹp đẹp, hay hay mà đem ra trồng được, như vậy là không thích hợp.

“Ở Hà Nội, chúng ta biết rằng tầng nước ngầm rất cao, đào xuống 50-60cm thôi là đã có nước ngầm, câu hỏi đặt ra là cây đó có thích nghi được không? Rồi vấn đề khí hậu, như năm 2017 vừa rồi Hà Nội có đợt nắng tới 42 độ, liệu một loại cây nhiệt đới như phong lá đỏ có chịu được hay không? Không ai khẳng định được việc này cả”, ông Cường nói.

Trước băn khoăn từ dư luận, cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng: “khí hậu Việt Nam rất thuận lợi để nghiên cứu, tiếp thu những giống cây, hoa mới trên thế giới”.

“Một năm nữa chúng ta có thể thấy việc “nhiệt đới hóa” những cây phong lá đỏ, và chúng vẫn mang màu sắc như khi trồng tại vùng khí hậu châu Âu“, ông Chung khẳng định tại hội thảo về cây xanh, hồ nước diễn ra hôm 13/1/2018.

Thế nhưng đã nhiều mùa thu trôi qua, hàng cây phong lá đỏ trồng trên dọc phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh không những không đưa được màu sắc châu Âu vào thành phố, mà nhiều cây đã khô héo, rụng lá… thậm chí có một số cây thân bị nứt toác, khô khốc… làm ảnh hướng đến cảnh quan tuyến phố.

Thống kê, trong số 262 cây phong lá đỏ được trồng, có 45 cây đã chết. 217 cây còn sống được thì lá bị héo; cành, nhánh bị khô và hay bị sâu bệnh.

Hoàng Minh