Hà Nội muốn lập 87 trạm thu phí vào nội đô đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhiều chuyên gia cho rằng việc thu phí này là “không phù hợp”, “có thể gây bức xúc trong xã hội”… Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nói việc thu phí là “điều cần thiết”.

thu phi noi do ha noi
Hà Nội muốn lập 87 trạm thu phí vào nội đô. (Đồ họa: Lê Mây/Trí Thức VN)

Theo kết quả thực hiện xây dựng đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” vừa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội trình Sở GTVT Hà Nội, dự kiến từ năm 2025 sẽ thu phí ô tô đi từ khu vực vành đai 3 vào trung tâm Hà Nội để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Khung giờ thu phí từ 5h đến 21h hàng ngày, có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm để hạn chế các chuyến đi không cần thiết. Ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ không thu phí.

Mức phí đề xuất với ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (đối tượng chính của thu phí) từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt. Mức phí với ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt.

Có 68 vị trí với 87 trạm thu phí tự động không dừng đặt bên trong ranh giới khu vực thu phí, xe quá cảnh trên vành đai 3 không phải trả phí. Tổng mức dự kiến đầu tư cho 87 trạm thu phí hơn 2.646 tỷ đồng.

giai doan1 thu phi noi do
Giai đoạn 1 của đề án thu phí vào nội đô Hà Nội có 15 trạm thu phí.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp và người dân còn khó khăn, “ngay bây giờ chúng ta thu phí là chưa phù hợp”.

Đặc biệt, việc thu phí phương tiện vào nội đô phải song hành với phát triển giao thông công cộng. Hà Nội muốn thu phí để hạn chế ô tô thì phải có hệ thống giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, phương tiện cá nhân là thành phần không thể thiếu của giao thông đô thị, ở các nước phát triển phương tiện cá nhân chiếm 30-40%, trong khi tỷ lệ phương tiện cá nhân giảm đi phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực của phương tiện vận tải công cộng.

Trong điều kiện Hà Nội và TP.HCM hiện nay, “việc thu phí hạn chế phương tiện vào nội đô là không phù hợp”, ông Thủy nói.

Ông Thuỷ cho hay năng lực vận chuyển của xe buýt chỉ phục vụ phù hợp với thành phố từ 30-40 vạn dân, còn từ 1 triệu dân trở lên phải có đường sắt đô thị.

Hà Nội cũng như TP.HCM với dân số trên dưới 10 triệu dân, trong khi đường sắt đô thị mới chỉ xây dựng 1-2 tuyến, những tuyến này nếu sớm được đưa vào khai thác cũng chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông công cộng. Do vậy, việc Hà Nội đặt kế hoạch dự kiến cấm xe máy hoạt động nội thành, thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2025 là không hợp lý.

“Cách đây 4-5 năm Hà Nội đã bàn về vấn đề này rồi, nhưng dư luận và các chuyên gia không đồng tình. Bây giờ TP lại có chủ trương xây dựng 87 trạm thu phí ở các tuyến đường vành đai để thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô là cách làm không phù hợp. Khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại trong nội đô thì không nên áp dụng các biện pháp kinh tế cũng như áp đặt hành chính để hạn chế phương tiện cá nhân”, ông Thuỷ nói trên báo Vietnamnet.

giai doan2 thu phi noi do
Giai đoạn 2 của đề án thu phí vào nội đô Hà Nội có 59 trạm thu phí.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, phó trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải (Khoa vận tải – kinh tế, Trường đại học Giao thông vận tải) cho biết thu phí xe vào nội đô chỉ là giải pháp hỗ trợ chứ không phải giải pháp trọng điểm để hạn chế ùn tắc giao thông. Giải pháp cốt lõi để giảm ùn tắc giao thông đô thị phải là các hệ thống giao thông công cộng, cụ thể là metro.

“Các thành phố trên thế giới thu phí xe vào nội đô khi giao thông công cộng đáp ứng được hơn 30% nhu cầu đi lại. Hà Nội, TP.HCM muốn triển khai thu phí được, phải có hệ thống metro, xe buýt đáp ứng cho người đi xe cá nhân chuyển đổi nhu cầu. Hà Nội chưa có 4-6 tuyến metro trở lên mà triển khai thu phí xe vào nội đô vẫn không giải quyết được ùn tắc giao thông. Những chuyến đi quan trọng chiếm 70% nhu cầu đi lại, nếu giao thông công cộng chưa đáp ứng đủ thì thu phí cao người dân đi xe cá nhân, lúc đó có thể gây bức xúc xã hội”, ông Tuấn nói.

giai doan3 thu phi noi do
Giai đoạn 3 của đề án thu phí vào nội đô Hà Nội có 13 trạm thu phí.

Tuy nhiên, với quan điểm cho rằng phải phát triển vận tải công cộng thì mới hạn chế phương tiện cá nhân, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng hai điều này phải tác động tương hỗ với nhau, nếu không hạn chế phương tiện cá nhân thì vận tải công cộng không thể phát triển được.

“Tỷ lệ vận chuyển hành khách của xe buýt hiện nay mới được 12%, nhưng thực tế là đi xe máy tiện quá nên người dân không lựa chọn xe buýt”.

“Không thể nói là vận tải công cộng chưa tốt nên chưa hạn chế xe cá nhân, mà phải làm song hành”.

“Với một loại phí mới, mọi người rất băn khoăn, nhưng tôi nghĩ đây là cần thiết để điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông. Những người đi xe cá nhân không cần thiết sẽ không đi vào vùng thu phí, còn các xe vận tải hàng hoá không bị thu phí, nên không làm tăng chi phí xã hội”, ông Viện nói trên báo Thanh Niên.

Kim Long

Xem thêm:

2.600 tỷ đồng xây 87 trạm thu phí vào nội thành Hà Nội: Mức phí tối đa dự kiến là 60.000 đồng/lượt