Thủ tướng Chính phủ Việt Nam – ông Phạm Minh Chính yêu cầu “hoàn thành sớm nhất” các đợt tiêm vắc-xin COVID-19 với trẻ từ 12-18 tuổi, đồng thời yêu cầu các cơ quan nghiên cứu phương án tiêm tiếp vắc-xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên. 

tiem vac xin tre em hanoi 1
Học sinh khối 7, 8 trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận mũi tiêm vắc-xin COVID-19 Pfizer tại trường, ngày 1/12/2021. (Ảnh minh họa: THCS & THPT Lương Thế Vinh – Cơ Sở Cầu Giấy/Facebook)

Thông tin được Chính phủ công bố vào sáng 5/12, trong cuộc họp thúc đẩy việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin và thuốc chữa bệnh COVID-19, tiếp theo cuộc họp ngày 27/11 vừa qua và nhiều cuộc họp trước đó trong năm 2021 về cùng vấn đề. Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: Với biến chủng mới, sau người già cần tiêm cho trẻ em

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện tỷ lệ người từ 18 tuổi tại Việt Nam đã tiêm mũi 1 là 94%, tiêm mũi 2 là 69%, đây là tỷ lệ khá cao so với thế giới.

Ông Long cho hay tổng số vắc-xin đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng hơn 200 triệu liều. Đến hết ngày 3/12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều vắc-xin. Trong đó, gần 71,5 triệu liều mua từ nguồn ngân sách nhà nước và hơn 79 triệu liều từ nguồn viện trợ, tài trợ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đồng tình với việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Ông Vũ cho rằng việc xuất hiện biến chủng mới Omicron [của virus Vũ Hán] đã làm dịch bệnh trên thế giới càng diễn biến phức tạp và khó lường, khó dự báo hơn. Ông Vũ cho hay các báo cáo cho thấy hiệu lực bảo vệ của các loại vắc-xin đã được cấp phép vẫn cao và các hãng đang tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm và nâng cao hơn nữa hiệu lực bảo vệ của vắc-xin .

Trước biến chủng mới, nhiều nước đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi thứ 3; hơn 20 nước đã tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em từ 3-11 tuổi, trong đó có nhiều nước phát triển. Ông Vũ cũng dẫn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng việc tiêm cho trẻ em từ 3-11 tuổi có lợi ích cao hơn rủi ro; nên ưu tiên cho người già và người có bệnh nền, khi đã đủ vắc-xin thì tiêm cho trẻ em.

Yêu cầu “thần tốc” tiêm vắc-xin COVID-19, hạ tiếp độ tuổi tiêm xuống trẻ từ 5 tuổi

Đưa ra các ý kiến chỉ đạo sau khi họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng thời gian qua, Việt Nam đã “triển khai quyết liệt chiến lược vắc-xin và đạt nhiều kết quả tốt”, nhưng trước những diễn biến mới của dịch bệnh trong nước và trên thế giới, “cần có đánh giá toàn diện và triển khai bài bản, khoa học, kịp thời hơn nữa việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin và thuốc chữa bệnh”.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch bảo đảm vắc-xin COVID-19 chi tiết, cụ thể về số lượng, chủng loại, độ tuổi tiêm, thời gian tiêm, phương án tiêm, việc tiêm trộn giữa các loại vắc-xin…

“Thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin và đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị…”, ông Chính nói, yêu cầu chậm nhất trong tháng 12 cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; rà soát lại các nhóm chưa tiêm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để đạt mục tiêu này.

Ngoài ra, ông Chính yêu cầu các cơ quan chức năng phải có lộ trình triển khai tích cực, hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho trẻ em từ từ 12-18 tuổi; đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, trong đó tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên và các nhóm tuyến đầu. “Nếu cần thiết thì tăng cường lực lượng chi viện, hỗ trợ các địa phương trong tiêm chủng như đã làm trước đó”, ông Chính nói.

Đáng lưu ý, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, sớm báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về một số nội dung liên quan tới vắc-xin, trong đó có khả năng, chủ trương, phương án tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên “trên cơ sở khoa học, an toàn, phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước”.

Trước liên tiếp nhiều sự cố sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin COVID-19 ở cả người lớn và trẻ em, ông Chính giao các cơ quan rà soát lại việc vận chuyển, bảo quản, tổ chức tiêm vắc-xin, đánh giá các sự cố xảy ra, yêu cầu “bảo đảm khách quan, trung thực, chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch để người dân yên tâm tiếp tục tiêm và không phân biệt đối xử các loại vắc-xin đã được cấp phép”.

Theo các bản tin tường thuật từ cuộc họp, thông tin chỉ đạo do ông Chính đưa ra không nêu cụ thể cơ quan, thời gian công bố kết quả đánh giá và giải pháp sau các sự cố vừa xảy ra.

Nguyễn Quân

Xem thêm: