Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, tiền đền bù được huy động từ ngân sách; còn tiền xây nhà hát từ nguồn bán đấu giá đất. Hai nguồn tiền là khác nhau, thuộc cơ chế khác nhau.

nguyen thien nhan
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: hochiminhcity.gov.vn)

Chiều ngày 16/10, Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 18 tổ chức phiên bế mạc.

Tại phiên bế mạc, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch, trong đó có việc tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm chưa có mà thành phố lại xây nhà hát 1.500 tỷ đồng.

Về vấn đề trên, Bí thư Nhân cho hay tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm và tiền làm nhà hát Thủ Thiêm là hai nguồn khác nhau, thuộc hai cơ chế khác nhau. Trong đó, tiền đền bù được huy động từ ngân sách; tiền xây nhà hát từ nguồn bán đấu giá đất.

Vì thế, kinh phí để xây dựng nhà hát không ảnh hưởng đến tiền đền bù của người dân, đảm bảo không vì quyết định đầu tư nhà hát mà thiếu tiền đền bù cho người dân” – ông Nhân khẳng định.

Với việc đền bù cho người dân tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố đang xây dựng 11 giải pháp thực hiện sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, sau đó gặp người dân trao đổi, tìm sự đồng thuận rồi mới ban hành.

Về đối tượng phục vụ của nhà hát tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, vị Bí thư này cho biết hơn 100 năm trước, người Pháp xây dựng nhà hát thành phố hiện nay để phục vụ cho khoảng 100.000 người dân vào thời điểm đó. Hiện thành phố có khoảng 10 triệu người bao gồm 5 triệu lao động, trong đó chiếm 30% trình độ đại học, cao đẳng và hàng trăm ngàn người nước ngoài đang sinh sống.

Vì vậy, việc xây dựng nhà hát, bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu trực tiếp gia tăng của người dân, còn là chỗ đào tạo về nhạc giao hưởng, opera, là nơi giao lưu quốc tế, tổ chức các sự kiện quan trọng. Nhà hát được thiết kế đa năng, đáp ứng cả nhu cầu nghệ thuật cao, cả các sinh hoạt cộng đồng rộng lớn” – ông Nhân nói và cho biết thêm hiện mỗi năm thành phố đang chu cấp 900 triệu đồng để Đoàn hát giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố với 200 người đi thuê mướn nơi tập, nơi hát.

Thành phố không phải không quan tâm xây trường học và bệnh viện

Người đứng đầu Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho hay trong nhiệm kỳ 2016-2020, tiền xây dựng trường học và bệnh viện là 34.633 tỷ đồng, gấp 23 lần tiền xây dựng nhà hát, nghĩa là tiền xây nhà hát chỉ bằng 4,3% so với tiền xây dựng trường học, bệnh viện.

Trong khi đó, tiền xây dựng trường học, bệnh viện của 3 nhiệm kỳ gần đây lên tới 57.860 tỷ đồng, cao gấp 38 lần so với xây nhà hát.

Như vậy là thành phố không phải không quan tâm xây trường học và bệnh viện. Nếu so với tổng chi ngân sách thành phố 3 nhiệm kỳ gần đây là 355.000 tỷ đồng thì tiền xây dựng nhà hát chỉ chiếm 0,4%. Đây là số tiền không nhỏ, nhưng chúng ta đã có kế hoạch cho nó” – Bí thư Nhân cho biết.

Hoàng Minh

Xem thêm: