2 phương án do Tổng cục Đường bộ đề xuất để giải quyết trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài gây nhiều tranh cãi là dời về TP. Vĩnh Yên hoặc Nhà nước bỏ ngân sách ra để mua lại.

bot-bac-thang-long-noi-bai
Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Với phương án di dời về TP. Vĩnh Yên, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, cho biết hiện 2 trạm thu phí trên tuyến quốc lộ 2 qua TP. Vĩnh Yên đã dừng thu phí nên phương án tốt nhất là di dời trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài về đúng tuyến.

Trước đây, khi 2 trạm còn thu phí thì việc di dời không hợp lý vì các BOT quá gần nhau, đoạn quốc lộ 2 qua TP. Vĩnh Yên sẽ có tới 3 BOT.

Theo ông Huyện, nếu đưa trạm thu phí này lên tuyến tránh TP. Vĩnh Yên và tăng mức phí từ 10.000 đồng lên 25.000 đồng mỗi lượt như các trạm BOT khác thì thời gian thu phí sẽ rút ngắn lại. Vị trí đặt trạm đúng với dự án đầu tư. Việc này sẽ phải đàm phán với nhà đầu tư.

Phương án còn lại, theo ông Huyện, nhà nước sử dụng ngân sách mua lại trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, sau đó xóa bỏ trạm.

Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài được lập để thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), nhưng nhiều năm nay trạm lại đặt trên đường Võ Văn Kiệt thuộc huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Dự án do Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 làm chủ đầu tư với số vốn 531 tỷ đồng.

Việc đặt một trạm thu phí BOT ở ngoài phạm vi dự án đã khiến người dân bức xúc và nhiều lần phản ứng. Chính quyền TP. Hà Nội cũng nhiều lần đề nghị xóa sổ trạm thu phí này.

Chủ đầu tư BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài đề xuất tăng phí

Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong những năm qua, kết quả rà soát trạm thu phí của toàn bộ 70 dự án BOT cho thấy, có 21 trạm thu phí có bất cập được phân thành 4 nhóm theo tính chất dự án BOT/trạm thu phí. Cụ thể:

Nhóm 1 có 3 trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án, gồm: Trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài (Hà Nội), trạm Bỉm Sơn (trên Quốc lộ 1, tỉnh Thanh Hóa) và trạm Cầu Rác (trên Quốc lộ 1, tỉnh Hà Tĩnh).

Nhóm 2 có 7 trạm thu phí đặt trên tuyến đường hiện hữu, thu phí hoàn vốn 2 hợp phần, cải tạo nâng cấp đường hiện hữu và xây dựng tuyến tránh, gồm: Nam Cầu Giẽ (Quốc lộ 1, tỉnh Hà Nam), Tân Đệ (Quốc lộ 10, tỉnh Thái Bình), Bến Thủy (Quốc lộ 1, tỉnh Nghệ An), Quán Hàu (Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Bình), Trảng Bom (Quốc lộ 1, tỉnh Đồng Nai), Cai Lậy (Quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang) và Thành phố Sóc Trăng (Quốc lộ 1, tỉnh Sóc Trăng).

Nhóm 3 có 6 trạm, thu phí trên cả tuyến quốc lộ và đường cao tốc song hành, gồm: 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 6 và trên cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình; 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 3 (trạm Bờ Đậu) và trên cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới; 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5 hỗ trợ thu phí hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Nhóm 4 có 5 trạm thu phí có tính đặc thù gồm: 2 trạm hoàn vốn dự án xây dựng các hầm đường bộ Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân (trạm trên tuyến La Sơn – Tuý Loan, tỉnh Thừa Thiên Huế và trạm đặt tại đường dẫn phía Nam hầm Hải Vân); trạm Km1747 trên đường Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Lắk; trạm Ninh Xuân trên Quốc lộ 26, tỉnh Khánh Hòa; trạm T2 trên Quốc lộ 91, TP. Cần Thơ.

Đến nay, tổng số 21 trạm BOT có vướng mắc, bất cập, Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan đàm phán với nhà đầu tư xử lý theo thẩm quyền được 16/21 trạm.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, đối với các trạm BOT còn nhiều bất cập thuộc thẩm quyền, Bộ sẽ phối hợp với địa phương để thực hiện.

“Tuy nhiên, theo báo cáo mà Bộ gửi các đại biểu Quốc hội cũng có những nhóm BOT vượt thẩm quyền, nếu bố trí vốn phải có ý kiến của Quốc hội, Quốc hội đồng ý mới có kinh phí để giải quyết”, ông Thể nói.

Bên cạnh những trạm BOT còn nhiều vướng mắc, 41/54 dự án có số thu thấp hơn so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án, trong đó, 19 dự án có mức thu đạt dưới 70%. Cá biệt có 3 dự án có doanh thu chỉ đạt dưới 30% so với phương án tài chính, gây phá vỡ phương án tài chính, gồm: Dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam; Dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 – Km1763+610 tỉnh Đắk Lắk; Dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi.

Kim Long