Khuya 17/8, truyền thông trong nước liên tiếp đưa hai thông tin quan trọng về chính sách trong an sinh và kiểm soát người nhiễm virus Vũ Hán (nCoV) ở vùng dịch lớn – TP.HCM. Giới chức TP đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỷ đồng cứu đói hơn 4,7 triệu người khi TP bước sang tháng thứ 4 giãn cách, trong khi phía Bộ Y tế công bố giải pháp: giữ F0 mới tại chỗ, phát túi thuốc, túi an sinh dùng trong 1 tuần.

tui thuoc tai nha covid tphcm 1
Người nhiễm virus Vũ Hán (F0) mới tại TP.HCM sẽ được xét nghiệm tại nhà, được đưa 1 túi thuốc và túi an sinh dùng trong 1 tuần. (Ảnh: HCDC)

UBND TP: Hơn 4,7 triệu người cần cứu đói

Tại văn bản ký chiều 17/8 gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động nghèo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng trích dẫn quy định tại Nghị định số 20/2021 của Chính phủ, rằng Điều 12, Chương III về trợ giúp xã hội khẩn cấp, quy định:

“Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước”: Hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 1 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc hộ thiếu đói dịp Tết âm lịch. Hỗ trợ không quá 3 tháng cho mỗi đợt cho đối tượng thiếu đói do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác từ nguồn lực của địa phương và nguồn dự trữ quốc gia… ”.

Giới chức TP cho biết tính đến nay TP có 1.580.110 hộ lao động nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (khoảng 4.740.330 người, bình quân 3 người/hộ).

Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ ngân sách cho TP.HCM với số tiền hơn 27.968 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo để trợ giúp người lao động nghèo trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Mức hỗ trợ bình quân gồm: tiền ăn 50.000 đồng/hộ/ngày, tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng, gạo 15 kg/người. Thời gian hỗ trợ là: 98 ngày tiền ăn, 2 tháng tiền nhà trọ và 2 tháng lương thực.

Hiện TP.HCM đang bước sang tháng thứ 4 giãn cách theo nhiều cấp độ tăng dần kể từ ngày 31/5, hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt mức kiểm soát. Hàng loạt hoạt động kinh doanh, dân sinh buộc “đóng băng”, người dân không được ra đường sau 18h nếu không có lý do chính đáng.

Tại văn bản kiến nghị nêu trên, giới chức TP thừa nhận số lượng người mắc bệnh và tử vong tại TP.HCM đang tăng nhanh, khi TP này hiện là trung tâm dịch của đợt 4 – đợt dịch có tốc độ lây lan nhanh, lan rộng ra nhiều tỉnh thành với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và hiện vẫn diễn biến khó lường.

Theo UBND TP.HCM, số thu ngân sách có xu hướng giảm dần từ tháng 5, tháng 6 và dự kiến số thu ngân sách năm 2021 sẽ không đạt dự toán trung ương giao. “Người dân, người lao động đang sinh sống và làm việc tại thành phố đang rời sang các tỉnh khác hoặc về quê”, văn bản nêu.

“Phát hiện F0, khoanh luôn nhà, phát túi thuốc, túi an sinh”

F0 mới sẽ được kiểm soát tại nhà là thay đổi mới được Bộ Y tế công bố trước tình hình dịch tại TP.HCM.

Trong ngày 17/8, làm việc với Thành ủy, UBND TP.HCM về việc chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà và ở các tuyến điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, Bộ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Thành Long cho biết “nếu phát hiện ra F0 thì khoanh luôn nhà đó, phát luôn túi thuốc chăm sóc điều trị tại nhà và túi an sinh dùng trong 1 tuần”.

“Xét nghiệm tại chỗ, chăm sóc tại chỗ và an sinh tại chỗ sẽ góp phần làm giảm lây nhiễm, giúp hạn chế chuyển tình trạng nặng”, ông Long nói, báo Tuổi Trẻ tường thuật từ buổi họp.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP.HCM mở rộng các tổ đáp ứng nhanh tại các xã, phường (hiện TP.HCM có 312 tổ); phải có trạm oxy ngay tại các địa bàn do tổ đáp ứng nhanh/tổ dân phố quản lý và sử dụng ngay cho người dân khi cần cấp cứu.

“Nếu bệnh viện công nào từ chối bệnh nhân đề nghị TP.HCM kỷ luật, nếu cơ sở y tế trực thuộc Bộ thì Cục Quản lý Khám chữa bệnh kỷ luật. Nếu là cơ sở y tế tư nhân sẽ rút giấy phép ngay.” – ông Long đưa ra chỉ đạo.

Trong 3 tầng thu dung và điều trị tại TP do ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo, ông Long đề nghị mở rộng tầng 2 (hiện gồm 74 bệnh viện điều trị COVID-19 với 49.392 giường) và tầng 3 (8 bệnh viện hồi sức COVID-19 tại TP và 5 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế, gần 3.850 giường).

Theo yêu cầu, tầng 2 bắt buộc phải có oxy và thuốc chống đông, kháng viêm. Tầng 2 dành điều trị người bệnh trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Nếu điều trị trong 7 – 10 ngày, bệnh nhân tiến triển, khỏe thì cho về nhà cách ly theo dõi y tế kèm theo túi thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà.

“Các bệnh viện thuộc tầng 3 bắt buộc giao ban hàng ngày về chuyên môn với các bệnh viện tầng 2, đồng thời cử ê kíp y bác sĩ của tầng 3 xuống tầng 2 hỗ trợ liên tục về chuyên môn để vừa lọc bệnh nhân ở tầng 2, chuyển tuyến tầng 3 ngay khi cần, vừa hướng dẫn thêm cho y bác sĩ tại tầng 2″,  ông Long chỉ đạo, dẫn theo Thanh Niên.

Nguyễn Quân

Xem thêm: