Theo dự báo, khoảng 1/4 diện tích của TP.HCM sẽ chìm trong nước khi nước biển dâng tới mốc 100 cm. Hiện thành phố vẫn còn tới 6 tuyến đường ngập nước do mưa và 9 tuyến đường ngập trong nhóm xử lý tạm chưa làm.

shutterstock 501803164
Nước đen ngập kín một con đường tại TP.HCM. (Ảnh: Xuanhuongho/Shutterstock)

UBND TP.HCM vừa phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020 – 2025 và Kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2030.

Theo thống kê của UBND TP.HCM, ước tính đến hết năm 2020, 11/17 tuyến đường ngập nước do mưa được xử lý, 14/23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách.

Dự báo về tình hình ngập trong giai đoạn tới, bản đề án dẫn thông tin cho hay TP.HCM là 1 trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu cao nhất thế giới. Khi biến đổi khí hậu diễn ra, diện tích bị ngập của thành phố đến cuối thế kỷ 21 lần lượt là 128 km, 204 km và 473 km tương ứng với các kịch bản nước biển dâng 65 cm, 75 cm và 100 cm. Ước tính khoảng 1/4 diện tích của TP sẽ chìm trong nước khi nước biển dâng tới mốc 100 cm.

Bên cạnh vấn đề về điều kiện tự nhiên, TP còn có tốc độ đô thị hóa nhanh, tình trạng lún nền đất và sạt lở liên tục diễn ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đầu tư các công trình và tình trạng ngập của thành phố.

Việc xả rác xuống kênh rạch, lấn chiếm kênh rạch (trong đó đa số các nơi bị lấn chiếm đều có từ nhiều năm trước, thậm chí nhiều nơi còn được hợp thức hóa giấy tờ) cũng là nguyên nhân gây ngập và tốn kém cho quá trình chống ngập của thành phố.

Ngoài các dự án cải thiện môi trường được hoàn thiện như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tân Hóa – Lò Gốm…, việc quy hoạch chống ngập còn những mặt hạn chế như đầu tư không đồng thời, đồng bộ dẫn tới kém hiệu quả. Có nơi xây dựng đường giao thông nhưng lại không có hệ thống thoát nước đi kèm; nơi xây dựng xong hệ thống cống bao, thu gom, chuyển tải thì chưa xây nhà máy xử lý nước thải, trong khi nơi xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải thì lại chưa có hệ thống cống bao thu gom, chuyển tải nước thải về nhà máy…

Vẫn tập trung vào các giải pháp công trình

Nhận định khả năng để kiểm soát ngập 100% là điều không thể, kể cả các quốc gia tiên tiến nhất thế giới, đề án của chính quyền TP.HCM đặt mục tiêu trong 5 năm, từ 2020 – 2025 không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550 km2 thuộc giai đoạn 2016 – 2020; giải quyết ngập lâu dài cho vùng trung tâm rộng 106,41 km, và giải quyết thoát nước “cơ bản” cho các vùng còn lại của thành phố.

Cụ thể, tới năm 2025, chính quyền TP sẽ tiếp tục giải quyết 15 điểm ngập còn lại (gồm Tân Quý, Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Hồ Học Lãm, Quốc lộ 13 (thuộc danh sách các tuyến đường ngập nước do mưa); các tuyến Ba Vân, Trương Công Định, Bàu Cát, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Nguyễn Hữu Cảnh, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân (thuộc danh sách các tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách) và 3 điểm ngập phát sinh gồm đường Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng.

TP sẽ xây dựng 7 hồ điều tiết, thực hiện 70 dự án cải thiện hệ thống thoát nước, duy tu nạo vét hệ thống kênh rạch chính qua thành phố…

Ngoài ra là các kế hoạch xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực ngoại vi mở rộng quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, TP Thủ Đức, Quận 7; hoàn thiện giai đoạn 1 Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè; nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 3 và kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư đông đúc như Bắc Sài Gòn, Tây Sài Gòn, Nam Sài Gòn…

Vào tháng 6/2020, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết trong 5 năm qua (2016 – 2020), số kinh phí ngân sách TP đầu tư cho hoạt động chống ngập thấp nhất là 796 tỷ đồng năm 2016, cao nhất là khoảng 2.222 tỷ đồng vào năm 2020.

Các dự án giải quyết ngập theo hình thức PPP là 9.927 tỷ đồng, dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là 9.024 tỷ đồng.

Tổng cộng, toàn bộ kinh phí đã “đổ” vào việc chống ngập từ 2016 – 2020 là 25.998 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, chỉ với 3 trận mưa lớn diễn ra vào tháng 5, 6/2020 đã gây ngập nặng ở 22 tuyến đường. Điều này lại được lý giải là do các trận mưa vũ lượng lớn vượt quá thiết kế gây quá tải hệ thống thoát nước.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng lại đình trệ, mỗi ngày thiệt hại 1,5 tỷ đồng