Sáng 23/7, TP.HCM chính thức thông báo về việc siết thêm các quy định nhằm giãn cách xã hội, được gọi là “tăng cường” Chỉ thị 16. Trong 10 ngày tới, người dân tại vùng nguy cơ cao buộc phải ở trong nhà, cấp thực phẩm tới nhà; khu vực khác mọi người chỉ được phép ra khỏi nhà khi cần cấp cứu, 2 lần/tuần đi mua thực phẩm thiết yếu…

COVID 19 tphcm 12
Một căn nhà được đóng bảng thông báo là điểm cách ly y tế, thực hiện cách ly F1 tại nhà, TP.HCM, tháng 7/2021. (Ảnh: HCDC)

Phong tỏa “mềm” tại nhà

Các nội dung được nêu tại Chỉ thị số 12/2021 do Bí thư Thành ủy TP.HCM – ông Nguyễn Văn Nên ký ngày 22/7, khi TP này trải qua 37 ngày giãn cách theo Chỉ thị 15 và 14 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, song tổng số ca nhiễm vượt 45.000 ca (đã sắp vượt 50.000 ca vào sáng 23/7).

Ông Nên thừa nhận sau thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, dịch bệnh tại TP vẫn diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong toả, cách ly. Số đang điều trị, số ca nặng, tử vong ngày càng tăng. Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị chống dịch đã quá tải…

Giới chức TP tiếp tục siết thêm các giải pháp giãn cách trong 2 tuần tới, trong đó:

Trong các khu phong tỏa: thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp người xung quanh.

Người dân chỉ được ra khỏi nhà khi cần cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần, dùng phiếu đi chợ, siêu thị do địa phương cấp).

Với một số khu vực nguy cơ rất cao, người dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng hộ.

Trong các khu cách ly, người đang cách ly phải tuyệt đối không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).

Các gia đình có F0, F1 đang cách ly tại nhà phải thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu y tế); lương thực, thực phẩm thiết yếu do chính quyền cung cấp tại nhà.

Các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao, yêu cầu là triệt để giãn cách giữa cá nhân với cá nhân.

Mở lại chợ nhưng lượng bán chỉ 30%; thu hẹp tiếp các nhóm sản xuất, kinh doanh 

TP.HCM sẽ tạm dừng tiếp các hoạt động sản xuất kinh doanh; các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.

Ngân hàng, chứng khoán được hoạt động ở mức độ vừa phải để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết. Các chi nhánh hoặc phòng giao dịch thì yêu cầu làm việc luân phiên, sắp xếp nhân sự làm trực tiếp theo ca, thực hiện nghiêm giãn cách.

Chỉ những doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu được hoạt động, gồm: y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ…

Các doanh nghiệp sản xuất chỉ được hoạt động khi tuân thủ nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ) và “một cung đường, hai điểm đến” (chỉ một đường đón công nhân từ  nơi làm đến nơi ở).

Chợ truyền thống chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, bảo đảm không gian mở, thoáng, có màng ngăn giữa người mua và bán. Các tiểu thương chỉ được bán lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và giảm quy mô còn khoảng 30%; bán luân phiên theo ngày chẵn lẻ, niêm yết giá và khuyến khích bán hàng theo các túi sẵn.

Cơ quan nhà nước làm việc sáng hoặc chiều, hoặc luân phiên cách ngày tại công sở. Các chốt kiểm soát ở TP.HCM (12 chốt chính và các chốt liên quận huyện) chỉ giải quyết cho xe công vụ, xe chở hàng hóa được cấp mã nhận diện (QR code) ra vào thành phố; xe công vụ, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch; xe đưa rước người dân thành phố về quê theo kế hoạch.

Sau 3 ca COVID-19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 27/5, từ 0h ngày 31/5, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trong vòng 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 giãn cách theo Chỉ thị 16.  Tại thời điểm ra quyết định, TP.HCM có 379 ca nhiễm, trong đó có 177 ca trong cộng đồng.

Đến ngày 14/6, toàn TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 thêm 2 tuần, từ 0h ngày 15/6 đến 0h ngày 29/6, được xác định là nhằm tiếp tục kiểm soát tình hình dịch trong khi vẫn giữ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dân sinh. Lúc này, tổng số ca nhiễm tại TP.HCM là 871 ca.

Ngày 19/6, UBND TP.HCM ra Chỉ thị 10 áp dụng thêm các quy định về giãn cách xã hội, tạm ngưng các chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng… kết hợp áp dụng Chỉ thị 15. Đây là thời điểm TP.HCM ghi nhận hơn 100 ca mỗi ngày, tổng số ca nhiễm trong TP tính đến tối 19/6 là 1.481 ca.

Đến 0h ngày 9/7, TP.HCM chính thức giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày. Chưa hết thời hạn trên, tối 22/7, giới chức TP ra Chỉ thị 12 nêu trên về việc “tăng cường” Chỉ thị 16, dự kiến áp dụng tới ngày 1/8. Vào thời điểm này, HCDC công bố tổng số ca nhiễm tại TP.HCM là 46.178 ca (45.874 ca trong cộng đồng, 304 ca nhập cảnh); 3.057 điểm phong tỏa (cập nhật lúc 14h ngày 21/7)…

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Sáng 23/7: Chiếm 3.302/3.898 ca COVID-19 mới, TP.HCM sắp vượt mức 50 ngàn ca, khử khuẩn toàn TP