Trong số 21 bị can bị Cơ quan công an đề nghị truy tố có 7 bị can được xác định vai trò quan trọng.

gia xang tang
Truy tố 21 bị can trong đường dây xăng giả của Trịnh Sướng. (Ảnh minh họa: Gia Bảo)

Công an tỉnh Đắk Nông cho biết cơ quan chức năng đã có kết luận điều tra 3 vụ án sản xuất, buôn bán xăng giả và truy tố 21 bị can trong đường dây xăng giả của Trịnh Sướng.

Theo đó, chuyên án đã điều tra, khởi tố 4 vụ án. Trong đó, công an kết thúc điều tra 3 vụ án với 21 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Còn 1 vụ án khác, liên quan với 11 bị can liên quan, công an vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng.

7 bị can được xác định vai trò quan trọng trong ba vụ án này bao gồm: Trịnh Sướng (53 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng); Lưu Văn Nguyện (45 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP dầu khí Bình Minh); Nguyễn Thành Trung (41 tuổi, công nhân Công ty TNHH Mỹ Hưng); Ngô Dương Anh Tuấn (37 tuổi); Trần Văn Phước (39 tuổi, cùng là công nhân Công ty CP TM hóa dầu Resol); Trương Văn Thuận (36 tuổi, lái tàu của Công ty TNHH Mỹ Hưng, Gia Thành); và Nguyễn Thị Hồng Thủy (44 tuổi).

Theo kết luận điều tra, công ty của Trịnh Sướng không đủ điều kiện pha chế, sản xuất xăng dầu nhưng đã tổ chức pha trộn dung môi, hóa chất tăng RON và hỗn hợp màu Azo với xăng nền, tạo thành xăng A95, E5 RON 92 giả với khối lượng lớn, bán lẻ ra thị trường.

Từ 2017 đến thời điểm bị bắt, công ty Trịnh Sướng đã pha chế, sản xuất hơn 146 triệu lít, tương đương giá trị hàng thật là hơn 2.503 tỷ đồng, qua đó hưởng lợi số tiền trên 122 tỷ đồng.

Ba bị can Nguyễn Thành Trung, Ngô Dương Anh Tuấn và Trần Văn Phước với nhiệm vụ được giao là quản lý kho, cấp phát xăng. Các bị can này đã giúp cho Trịnh Sướng tiếp nhận dung môi, hóa chất và trực tiếp pha trộn, tạo xăng giả tại kho xăng dầu của Công ty Mỹ Hưng và kho xăng dầu Ressol.

Riêng Nguyễn Thị Hồng Thủy là người có vai trò giúp sức tích cực cho Trịnh Sướng trong việc liên hệ, mua dung môi, hóa chất để phục vụ cho việc pha xăng giả.

Bị can Trương Văn Thuận (thuyền trưởng tàu Gia Thành 7) đã giúp cho Trịnh Sướng vận chuyển dung môi, Toluene và MTBE để tổ chức pha chế.

Ngoài ra, bị can Lưu Văn Nguyện – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dầu khí Bình Minh đã lợi dụng các quy định pháp luật về hóa chất, trực tiếp thỏa thuận, mua bán dung môi với Sướng với khối lượng lớn.

Liên quan đến đường dây pha chế, sản xuất và mua bán xăng giả, Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố 32 bị can.

Theo cơ quan điều tra, từ 1/1/2017 đến nay, số tiền các bị can dùng để mua dung môi, các chất làm tăng chỉ số Octan (Toluene, MTBE, NMA, Methanol…) là 4.200 tỷ đồng. Các bị can đã “sản xuất” tổng cộng khoảng 350 triệu lít xăng giả để bán ra thị trường. Trung bình mỗi tháng, đường dây này cung cấp hơn 6 triệu lít xăng giả; tiêu thụ tại rất nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Theo Cục quản lý hóa chất (Bộ Công thương), có rất nhiều hóa chất độc hại được sử dụng để tăng chỉ số Octan trong xăng, làm xăng giả. Trong đó, có những chất có thể dùng để sản xuất thuốc diệt cỏ, diệt sâu hoặc tiền chất ma túy. Riêng Toluene sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp, hóa chất này độc hại, dễ gây nổ, tiếp xúc thời gian dài thì hệ thần kinh trung ương tổn hại, gây ung thư,…

Phạm Toàn