Kê khai thiếu tiền thuế gần 2 tỷ đồng, chi phụ cấp không đúng quy định trên 750 triệu đồng, học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác, giảng viên không đủ điều kiện tham gia Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ… là một số vấn đề trong nhiều vi phạm về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 

vien han lam khxh vietnam 14
Một buổi luận án tiến sĩ chuyên ngành Chính sách công tại Học viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), tháng 7/2020. (Ảnh minh họa: vass.gov.vn)

Giảng viên không đủ điều kiện vẫn chấm luận văn thạc sĩ

Cuối tháng 4 vừa qua, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư, công tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo, cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015-2019.

Tại thời điểm công bố quyết định thanh tra, tháng 8/2020, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết đây là cuộc thanh tra đầu tiên của Thanh tra Chính phủ đối với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Theo kết luận thanh tra vừa ban hành, hằng năm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đào tạo trên 200 tiến sĩ, trên 1.000 thạc sĩ, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2019, công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Viện này bị xác định có nhiều vấn đề về tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý tài chính.

Về việc quản lý tài chính, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chi phụ cấp cho một số chức danh, chi phụ cấp cán bộ công tác địa phương không đúng quy định số tiền trên 750 triệu đồng; sử dụng ngân sách Nhà nước chi tiền lương cho hợp đồng ngoài biên chế trên 1,2 tỷ đồng; không trích quỹ dự phòng, trích lập quỹ phát triển, hạch toán lãi ngân hàng không đúng quy định; kê khai thiếu tiền thuế gần 2 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Viện qua các thời kỳ; kiến nghị thu hồi số tiền gần 6 tỷ đồng đã chi không có trong quy định của 10 đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Về đào tạo, quy trình đào tạo thạc sĩ thiếu quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện dự thi, điều kiện bảo vệ luận văn, thâm niên công tác, thiếu quy định về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận văn; không ban hành chương trình đạo tạo trình độ tiến sĩ.

Chương trình đào tạo thạc sĩ thiếu nội dung về chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành; còn trường hợp giảng viên hướng dẫn vượt số học viên cùng thời gian; học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác; một số hồ sơ học viên chương trình đào tạo còn thiếu sót; giảng viên không đủ điều kiện tham gia Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ.

Quy định về nội dung chương trình đào tạo chưa đầy đủ số học phần, không có các học phần lựa chọn ở trình độ tiến sĩ; chương trình đào tạo chưa thể hiện đủ số tín chỉ với người có bằng thạc sĩ và đối với người có bằng đại học…

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thiếu quy định về kinh nghiệm quản lý và thâm niên công tác theo yêu cầu của từng ngành đào tạo, không quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn. Thông báo tuyển sinh trình độ thạc sĩ không quy định về số năm kinh nghiệm tối thiểu, không có chỉ tiêu tuyển sinh từng chuyên ngành đào tạo thạc sĩ.

Nhiều nghiên cứu sinh quá hạn thời gian đào tạo; một số hồ sơ xét tuyển trình độ tiến sĩ không cho điểm phần đánh giá hồ sơ; hồ sơ học viên không có lý lịch khoa học của người hướng dẫn; có học viên không có phiếu đăng ký xét tuyển, bản sao các bài báo khoa học đã công bố; có nghiên cứu sinh đề xuất đề tài nghiên cứu không nằm trong danh mục nghiên cứu; sổ cấp phát văn bằng còn tẩy xoá, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh…

Nghiệm thu đề tài kiểu ‘gà đẻ trứng’; hội đồng nghiệm thu không đúng thành phần

Tình trạng một hội đồng nghiệm thu hàng chục đề tài trong một ngày xảy ra phổ biến tại một số đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Thanh tra Chính phủ nhận định điều này là “bất thường”.

Như tại Viện Nghiên cứu châu Âu, chỉ với một hội đồng đã thực hiện nghiệm thu 18 đề tài trong ngày vào ngày 6/12/2016, 18 đề tài trong ngày 12/12/2017, 16 đề tài trong ngày 5/12/2018 và 15 đề tài trong ngày 25/11/2019.

Tại Viện Ngôn ngữ học, chỉ 2 hội đồng nghiệm thu đã nghiệm 13 đề tài vào ngày 17/12/2018 và 22 đề tài trong ngày 19/11/2019.

Tại Viện Sử học, 2 hội đồng đã nghiệm thu 7 đề tài trong một buổi chiều ngày 13/1/2019 và 11 đề tài trong ngày 15/11/2019.

Quy trình thực hiện nhiều đề tài tại Viện này không đúng quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Quy chế quản lý khoa học.

Trong đó, có 7 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và Viện Hàn lâm nhưng được phê duyệt dưới dạng đề tài cấp cơ sở, cấp Bộ và bố trí kinh phí để thực hiện không hợp lý.

3 đề tài, nhiệm vụ không có đóng góp về khoa học cho xã hội; 37 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ do Văn phòng chủ trì chưa được tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở trước khi nghiệm thu cấp Bộ; 18 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ nhưng không nghiệm thu cấp Bộ.

Bên cạnh đó, 30 hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ không đúng thành phần; 55 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Bộ được giao cho cá nhân ngoài đơn vị chủ trì; 67 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở nhiệm vụ vụ khoa học cấp Bộ của đơn vị, căn cứ vào các Quy chế quản lý khoa học do Viện Hàn lâm ban hành đã hết hiệu lực; 191 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở không đúng thành phần; 75 đề tài, nhiệm vụ nghiệm thu chậm tiến độ…

“Nhiều đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở, chủ nhiệm đề tài sử dụng lại một phần, có đề tài sử dụng lại nhiều nội dung của đề tài, nhiệm vụ đã được nghiên cứu trước (cùng chủ nhiệm) không đúng quy chế quản lý khoa học, xảy ra ở phần lớn các đơn vị được thanh tra” – theo kết luận.

Thanh tra Chính phủ cho rằng quy trình thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ không đúng quy định, dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Trách nhiệm thuộc lãnh đạo Viện hàn lâm phụ trách lĩnh vực nghiên cứu khoa học; Ban quản lý khoa học và các đơn vị trực thuộc có khuyết điểm, sai phạm trong thời kỳ 2015-2019.

Sơn Nguyên