Được tỉnh giao 3.280ha rừng và đất phòng hộ xung yếu để quản lý bảo vệ, làm dự án, trong 7 năm, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã để mất 2.052,743 ha rừng, tương đương 62,5%.

pha rung o dak nong
Hàng ngàn cây rừng bị phá, đốt trụi nhằm lấn chiếm đất rừng tại 2 tiểu khu 1644 và 1645, thuộc lâm phần quản lý của HTX Hợp Tiến, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh minh họa: baodaknong.org.vn)

Truyền thông trong nước vừa dẫn kết luận của Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông về công tác quản lý, sử dụng đất; quản lý bảo vệ rừng và thực hiện dự án đầu tư tại xã Đắk Som, huyện Đắk G’long của Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam).

Theo nội dung bản kết luận, năm 2003, UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ, nay là tỉnh Đắk Nông) giao 3.280ha rừng và đất rừng phòng hộ xung yếu (thuộc địa giới hành chính xã Đắk P’lao, huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk; nay là xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) cho Viện lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quản lý bảo vệ và thực hiện dự án nghiên cứu lâm sinh.

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng, Viện lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã “thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng”, để mất rừng với tổng diện tích 2.052,743 ha rừng. Trong đó, giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 1/2015, để mất 1.822,033 ha; từ tháng 2/2015 đến tháng 12/2020 để mất 230,71 ha.

Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra Sở, từ khi được nhận đất và rừng trên thực địa, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên không tiến hành phúc tra lại hiện trạng rừng, chưa cắm lại mốc ranh giới sử dụng đất và chưa tiến hành xử lý diện tích các hộ dân đã lấn chiếm sử dụng, như theo đề nghị của liên ngành tại biên bản bàn giao đất thực địa.

Trong giai đoạn từ khi được giao đất, rừng trên thực địa năm 2005 đến năm 2013, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên không cung cấp được hồ sơ về việc xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng. Từ năm 2014 – 2021, Viện này lập phương án quản lý bảo vệ rừng tập trung nhưng không xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại Điều 27 Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Ngoài ra, viện này đã không xây dựng Phương án phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn từ 2003 – 2017; từ năm 2017 – 2021, dù có lập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hàng năm, nhưng đơn vị chủ rừng không gửi đến cơ quan kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp huyện tham gia ý kiến.

Không chỉ để mất rừng, đất rừng với diện tích lớn, dự án lâm sinh của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thực hiện không hiệu quả, chưa đạt đúng mục tiêu của Bộ NN-PTNT phê duyệt. Theo Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, các dự án lâm sinh của Viện này đạt kết quả rất thấp, như: xây dựng khu sưu tập thực vật được 1,0 ha/15 ha, đạt 6,7%; xây dựng khu rừng giống, rừng thực nghiệm được 9,0 ha/13,2 ha, đạt 68,2 %; trồng khảo nghiệm được 130 ha rừng/234,3 ha, đạt 55,5 %; xây dựng được 0,3 ha/1,3 ha vườn vật liệu giống, đạt 23 %.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông kết luận:

Trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thuộc Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gồm ông Hứa Vĩnh Tùng (giai đoạn 2003 – 2009), ông Nguyễn Thành Mến (giai đoạn 2009 – 2021); Trưởng trạm thực nghiệm Lâm nghiệp Đắk P’lao – ông Phạm Văn Trọng (giai đoạn từ 2005 đến nay).

Trách nhiệm để mất rừng thuộc về: Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gồm ông Hứa Vĩnh Tùng (giai đoạn 2003 – 2009), ông Nguyễn Thành Mến (giai đoạn năm 2009 – 2021); Trưởng trạm thực nghiệm Lâm nghiệp Đắk Plao – ông Phạm Văn Trọng (giai đoạn năm 2005 đến nay);

Kiểm lâm địa bàn giai đoạn từ năm 2005 đến 2020, gồm các ông: Hà Việt Dũng, Huỳnh Văn Triệu, Phạm Văn Anh, Ngô Duy Giáp, Phạm Văn Tuân, Võ Đức Tín, Lê Văn Sơn, Trần Văn Hậu; Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đắk G’long, gồm các ông: Quách Đông Nhị, Hoàng Tiến Mạnh, Đỗ Ngọc Trai, Lê Văn Hà, Nguyễn Bá Đường; Chủ tịch UBND xã Đắk Som, gồm: ông K’Măng (giai đoạn năm 2003 – 2007), ông K’Tang (giai đoạn năm 2007 – 2016), ông Hoàng Huy Tùng (giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020).

Ngoài ra, trong tổng diện tích 3.280 ha đất lâm nghiệp và rừng giao cho Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quản lý có d359,2 ha được UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục giao cho các đơn vị khác sử dụng mà không ban hành quyết định thu hồi đất của Viện này là không đúng quy định. Trách nhiệm trong giai đoạn năm 2007 – 2008 thuộc về: Sở TN-MT, Sở NN-PTNT và một số lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh; Phó chủ tịch UBND huyện Đắk G’long, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng và chính quyền xã sở tại.

Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo thu hồi hơn 2.100ha đất lâm nghiệp và hơn 961ha đất, rừng của Viện lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được giao quản lý, bảo vệ rừng nhưng thiếu trách nhiệm để đất bị người dân lấn, chiếm; lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Đối với Viện lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Sở này đề nghị liên hệ với các sở ngành để được hướng dẫn khắc phục hậu quả; xây dựng phương án quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, quản lý bảo vệ rừng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, Sở TN-MT đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, UBND huyện Đắk G’long xem xét, tổ chức kiểm kiểm tập thể, cá nhân có có khuyết điểm liên quan đến kết luận thanh tra đã nêu…; giao Sở TN-MT chuyển tin báo đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông về hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng của Viện khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để rừng bị mất, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (trụ sở tại số 9, đường Hùng Vương, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) có nhiệm vụ:

Chọn tạo và phát triển các giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, chất lượng gỗ tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và các điều kiện môi trường khắc nghiệt;

Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong lâm nghiệp;

Phát triển và ứng dụng các công nghệ thâm canh rừng trồng và phục hồi rừng tự nhiên, quản lý sử dụng đất, sâu bệnh hại và lâm sản ngoài gỗ;

Nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao trong chế biến và bảo quản lâm sản, tạo vật liệu tiên tiến, thân thiện với môi trường;

Lượng giá giá trị tài nguyên rừng và đa dạng sinh học gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;

Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trọng lâm nghiệp.

Theo thông tin công bố trên trang web của Viện, cơ quan này đang quản lý hơn 11.693 ha rừng nghiên cứu, thí nghiệm tại các Viện, Trung tâm trực thuộc, ở các vùng sinh thái, trong đó có 1.500ha rừng tự nhiên lá rộng thường xanh. Ngoài ra có các hiện trường nghiên cứu liên kết với các Vườn Quốc gia và tổ chức khác.

Nguyễn Quân