Trong 25 cuốn sách cổ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm bị thất lạc, có 4 cuốn Toàn Việt thi lục thuộc 3 bộ khác nhau do nhà bác học Lê Quý Đôn sưu tập và biên soạn theo lệnh của nhà vua; “Việt âm thi tập” của Phan Phu Tiên đời Trần là sách độc bản, hai cuốn địa chí ghi chép địa lý, cương vực, bờ cõi rất quý liên quan đến cương vực chủ quyền tổ quốc…

sach co vien nghien cuu han nom
Trong 25 cuốn sách cổ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm bị thất lạc, có 4 cuốn Toàn Việt thi lục thuộc 3 bộ khác nhau; cuốn Việt âm thi tập… (Ảnh minh họa: hannom.org.vn)

Hôm 21/12, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có thông cáo liên quan đến 25 cuốn sách tại Viện bị thất lạc.

Theo thông cáo, Viện Nghiên cứu Hán Nôm là đơn vị bảo quản các tài liệu Hán Nôm gồm gần 35.000 cuốn sách và gần 60.000 thác bản văn bia đã có biên mục; đồng thời mở cửa thư viện để các tổ chức, nhà nghiên cứu và các cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đến văn bản cổ của dân tộc có cơ hội tiếp cận tài liệu.

Viện tổ chức phục vụ bạn đọc nghiên cứu chủ yếu thông qua bản photocopy. Bạn đọc muốn tiếp cận tài liệu gốc cần có phê duyệt bằng văn bản của lãnh đạo viện.

Theo thông tin từ bộ phận liên quan, khoảng tháng 3 đến tháng 4/2020, cán bộ quản lý kho sách phát hiện có dấu hiệu không tìm thấy một số cuốn sách ở vị trí quy định trên giá. Thời điểm phát hiện đang trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo viện đã làm việc với người quản lý kho sách để chấn chỉnh, dự kiến các giải pháp điều chỉnh quy trình quản lý sách tránh thất thoát; đồng thời lên kế hoạch tổng kiểm kê nhằm tìm kiếm các cuốn sách bị lạc và đối soát tất cả các văn bản khác đang lưu trữ tại viện.

Đến tháng 4/2022, sau khi có thể khôi phục điều kiện làm việc bình thường, viện đã cho tổng kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm. Đây là lần tổng kiểm kê đầu tiên trong hơn 10 năm qua.

Thông qua 3 tháng rà soát, có 29 quyển (tập sách đóng rời) không thấy trên giá, trong đó có 13 quyển thuộc kho A và kho V, 16 quyển thuộc kho ST. Về thác bản bia, 6 thác bản bị thiếu.

Số sách ít nhiều bị xuống cấp, hư hại vật lý (theo tình trạng tự nhiên của bảo quản) là khoảng 4.000 quyển (hơn 10% số sách gốc), có thể bị rách một vài trang, bị hỏng bìa chưa tu bổ, hoặc bị mủn, mối mọt một vài trang hoặc toàn quyển (nhóm này cần thực hiện tu bổ sớm để bảo quản lâu dài).

Sau đó, viện tiếp tục cho rà soát, tìm thêm được 4 quyển (do để sai chỗ trên giá).

Như vậy, tổng số sách chưa thấy trên giá (mất, hoặc thất lạc) hiện là 25 quyển. Về thác bản bia thì đã tìm được 4 thác bản (trước đó không tìm thấy do để sai chỗ), còn 2 thác bản bị mất nhưng đã có thác bản dự bị đem ra sử dụng.

Sau sự việc trên, ngày 30/9, viện đã ký văn bản bàn giao kho sách cho người quản lý mới. Đồng thời, viện đã tổ chức làm vách ngăn để chia các phân kho, thay đổi quy trình quản lý sách gốc, giao trách nhiệm quản lý kho cụ thể, tránh nguy cơ tiếp tục thất thoát tài liệu.

Viện tiếp tục cho kiểm kê kho sách tại thư viện (gồm sách tiếng Việt và ngoại ngữ, không phải sách Hán Nôm) để thực hiện tổng kiểm kê tài liệu. Viện này dự định sẽ báo cáo tổng hợp toàn bộ các tài liệu, bao gồm tài liệu Hán Nôm và tài liệu mới. Công việc kiểm kê kho sách mới tại thư viện dự kiến hoàn thiện trong đầu năm 2023.

Viện Hán Nôm sẽ lập hội đồng riêng để xem xét cụ thể vấn đề này. Vụ việc đang được tổ chức giải quyết.

“25 quyển sách này đã có bản scan màu và/hoặc bản photocopy làm từ trước (tức là nội dung sách không bị mất), tuy nhiên việc tìm kiếm các cuốn sách thất lạc vẫn đang được Viện đặt lên hàng đầu, bao gồm cả việc rà soát trên giá một lần nữa để tránh tình trạng sách bị lẫn giá. Thời điểm sách bị thất lạc (mất, không thấy trên giá) tạm thời được xác định là khoảng 5 năm gần đây. Viện đã và đang tổ chức rà soát lại để tìm sách, xác định giá trị nội dung từng sách (qua các bản scan hoặc photocopy còn lưu), và xác định trách nhiệm liên quan”, thông cáo cho hay.

25 cuốn bị thất lạc là “cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc”

TS, nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Xuân Diện, Phó trưởng phòng văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho biết 25 cuốn sách cổ bị mất lần này là những cuốn “cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc”, trong đó có 4 cuốn Toàn Việt thi lục thuộc 3 bộ khác nhau.

Toàn Việt thi lục là bộ sách lớn do nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) sưu tập và biên soạn theo lệnh của nhà vua. Bộ sách này hoàn thành năm Mậu Tý (1768), dâng lên vua Lê Hiển Tông đọc, nhưng chưa được khắc in.

Toàn Việt thi lục có quy mô đồ sộ gồm 2.303 bài thơ của 173 tác giả từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI, với số lượng văn bản còn lại lớn nhất (trên 11.000 trang nguyên bản, kể cả các dị bản), chưa từng được biên dịch và công bố toàn bộ.

Ngoài ra, danh sách các cuốn sách bị mất còn có “Việt âm thi tập” của Phan Phu Tiên đời Trần là sách độc bản, hai cuốn địa chí ghi chép địa lý, cương vực, bờ cõi rất quý liên quan đến cương vực chủ quyền tổ quốc…

Đáng chú ý, nói trên báo Tuổi Trẻ, TS Diện cho hay “kho sách cổ chỉ giao chìa khóa cho một người và chỉ viện trưởng có quyền cho phép đưa sách cổ ra khỏi kho hoặc cho phép ai tiếp xúc trực tiếp với các bản sách cổ tại phòng đọc.

Từ lâu, chính cán bộ nghiên cứu của viện cũng không được sờ vào những cuốn sách này, mà chỉ được phục vụ bản copy. Nếu có nhu cầu nghiên cứu về chất liệu giấy, mực của những cuốn sách cổ thì phải làm đơn, viện trưởng ký đồng ý sách mới được xuất khỏi kho”.

Minh Long