“Trường hợp số lượng vắc-xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc-xin Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý” – Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam – ông Trương Quốc Cường cho hay. 

tiem vac xin covid 19 tphcm 1
Một điểm tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca quy mô 9.200 người tại nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM), ngày 24/6/2021. (Ảnh: HCDC)

TTXVN ngày 13/7 đưa tin ông Trương Quốc Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế vừa ký quyết định phân bổ số lượng 745.000 liều vắc-xin phòng COVID-19 BNT162b2 (Comirnaty) – Pfizer được cung ứng trong tháng 7 cho các tỉnh, thành phố và bệnh viện.

Tổng số liều Pfizer phân bổ theo kế hoạch đưa ra là hơn 745.000, nhưng thực tế số vắc-xin Pfizer mới về Việt Nam mới hơn 97.000 liều vào hôm 7/7. Giới chức cho hay phần còn lại của lô vắc-xin dự kiến sẽ về trong tháng này. Đây là số vắc-xin Việt Nam mua theo hợp đồng 31 triệu liều với Pfizer ký vào tháng 5.

Số vắc-xin trên được phân bổ tới 63 tỉnh, thành, lực lượng công an, quân đội và 21 bệnh viện, viện, trường thuộc Bộ Y tế.

Trong đó, TP.HCM – nơi đang ghi nhận tổng số ca nhiễm virus Vũ Hán lên tới trên 17.000 ca, sẽ nhận được nhiều nhất, gần 55.000 liều. Nếu tính cả số phân về cho các bệnh viện thuộc Bộ Y tế nằm tại TP.HCM, tổng số liều vắc-xin đưa về TP này lên đến hơn 105.000 liều.

Hà Nội 38.610 liều, Đồng Nai và Bình Dương mỗi tỉnh 25.740 liều. Hầu hết các tỉnh thành còn lại được chia 5.850 liều Pfizer mỗi nơi.

Trong 21 bệnh viện, viện, trường đại học được phân bổ vắc-xin Pfizer, nhiều nhất là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Phổi Trung ương, mỗi đơn vị 15.210 liều, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi đơn vị 14.040 liều, Bệnh viện E 12.870 liều, Bệnh viện Thống Nhất 11.700 liều, Bệnh viện Hữu nghị 9.360 liều… Lực lượng quân đội 35.100 liều, lực lượng công an 43.290 liều.

Theo thông báo, sau khi xuất khỏi kho lạnh, cần bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ 2-8 độ, và phải sử dụng hết trong vòng 31 ngày. Trường hợp không sử dụng hết hoặc có nhu cầu sử dụng thêm, các đơn vị phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM để được điều phối để sử dụng hiệu quả nguồn vắc-xin.

Đáng lưu ý, Bộ Y tế cho phép tiêm trộn vắc-xin Pfizer với vắc-xin AstraZeneca.  “Trường hợp số lượng vắc-xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc-xin Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý, và tiêm mũi thứ nhất cho những người chưa được tiêm chủng” – ông Cường cho hay.

Vnexpress dẫn lý giải của bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương vào chiều 13/7: “Đã có một số nghiên cứu ở quy mô vài nghìn người, vài trăm người, ở các quốc gia khác nhau và đưa ra kết quả khác nhau. Cụ thể, nếu tiêm trộn vắc-xin thì miễn dịch bảo vệ cá thể đó tốt hơn là tiêm 2 mũi AstraZeneca, nhưng đồng thời cũng ghi nhận một số lượng phản ứng bất thường sau tiêm, tăng lên đáng kể so với tiêm 2 liều cùng loại”.

Bà Hồng cho hay quyết định Bộ Y tế họp và đưa ra trong bối cảnh nhà sản xuất Pfizer cũng chưa khuyến cáo về tiêm trộn và Ủy ban tư vấn Việt Nam cho phép tiêm trộn vắc-xin (trong trường hợp thiếu nguồn cung vắc-xin) song khuyến cáo phải theo dõi sức khỏe người tiêm.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/7 đã khuyến cáo các nước không nên tiêm trộn vắc-xin chưa đủ dữ liệu khoa học. TS Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học WHO cho rằng tiêm kết hợp các loại vắc xin COVID-19 từ những nhà sản xuất khác nhau là “xu hướng nguy hiểm” vì hiện có ít dữ liệu về tác động của cách làm này tới sức khỏe, theo Reuters.

“Sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn ở các quốc gia nếu người dân bắt đầu quyết định khi nào và ai sẽ tiêm liều vắc xin thứ hai, thứ ba hay thứ tư”, bà Swaminathan cảnh báo.

Khuyến cáo trên được đưa ra sau khi một số quốc gia như Đức, Thái Lan… chọn cách tiếp cận tiêm kết hợp vắc-xin COVID-19 của các hãng khác nhau.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (66 tuổi) góp phần mở đường cho khuyến nghị tiêm trộn vắc-xin COVID-19, khi hồi tháng 6 đã nhận tiêm mũi vắc-xin thứ hai của Moderna, sau khi tiêm mũi đầu tiên của AstraZeneca. Ủy ban thường trực về tiêm chủng (STIKO) của Đức ngày 2/7 cho biết những người được tiêm liều vắc-xin đầu tiên của AstraZeneca “nên tiêm liều thứ hai là vắc xin mRNA (vắc xin của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna), bất kể tuổi tác”.

Minh Sơn

Xem thêm:

Tình hình COVID-19 hết 12/7: WHO khuyến cáo không tiêm kết hợp các loại vắc-xin