Theo báo cáo của Bộ TT-TT, trong 6 tháng đầu năm 2022, số cuộc gọi phát sinh từ thuê bao spam call (cuộc gọi rác) tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2021, từ 48,4 triệu lên hơn 74,1 triệu cuộc gọi.

cuoc goi rac
Số thuê bao bị chặn do phát tán gọi rác là 113.416, tăng 53% so với con số 73.938 thuê bao bị chặn cùng kỳ năm 2021. (Ảnh: mic.gov.vn)

Số thuê bao bị chặn do phát tán gọi rác là 113.416, tăng 53% so với con số 73.938 thuê bao bị chặn cùng kỳ năm 2021.

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng, trung bình mỗi tháng, cơ quan quản lý xác định được gần 400.000 thuê bao nghi ngờ gọi rác.

“Đặc điểm các thuê bao này là cuộc gọi đi lớn hơn nhiều so với cuộc gọi đến, các cuộc gọi có thời lượng rất ngắn (dưới 45 giây)”, ông Dũng nói.

Cũng theo Bộ TT-TT, các doanh nghiệp đã chặn 1.043 SIM trong tổng số 1.465 (còn 430 SIM đã hủy/chuyển quyền/tái đấu nối/chuyển sang mạng khác).

Số thuê bao băng rộng cố định đến tháng 6/2022 ước đạt 20,5 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 21 thuê bao/100 dân), tăng 4,4% so với tháng 1/2022 và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số thuê bao băng rộng di động đến tháng 6/2022 ước đạt 82 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 83 thuê bao/100 dân), tăng 9,3% so với tháng 1/2022 và tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo của BBộ này cũng cho biết, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đến tháng 6/2022 ước tính chiếm 72 % tăng 3% so với tháng 1/2022 và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.

Cảnh giác với tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo từ số điện thoại lạ

Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh tình trạng bị số điện thoại lạ gọi đến giả mạo cơ quan điều tra thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra; Giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ; Gửi email/tin nhắn có chứa đường link truy cập vào webiste của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking, hoặc thông tin thẻ để nhận tiền…

Thực chất đây là các website giả mạo để lừa khách hàng cài đặt các phần mềm/ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng; Sử dụng phương tiện điện tử, đánh cắp thông tin và mật khẩu chủ thẻ ngân hàng; Giả danh cán bộ cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng… gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra…; Giả mạo người cho vay trực tuyến lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn, yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm đánh cắp tiền trong tài khoản của người khác.

Bộ TT-TT khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi hoặc tin nhắn từ số máy lạ, nhất là những cuộc gọi quốc tế. Các cuộc gọi, tin nhắn từ quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu và 2 số tiếp theo không phải là 84 (mã nước Việt Nam là +84…).

Đối với các cuộc gọi nháy máy từ số quốc tế, không nên gọi lại, chỉ nên gọi lại khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.

Đối với các cuộc gọi giả danh Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng hoặc thông báo có quà từ Bưu điện, bưu phẩm, công ty bảo hiểm… dùng giọng nói đã được ghi âm sẵn, người nghe tuyệt đối không thực hiện bất cứ thao tác nào theo hướng dẫn hoặc yêu cầu nào từ người gọi. Không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, cần báo cơ quan chức năng khi thấy có dấu hiệu lừa đảo để được hỗ trợ xử lý.

Minh Long