Bộ NN&PTNT cho biết trong tổng số hơn 13.200 tỷ đồng chi phòng dịch tả lợn châu Phi, thì ngân sách nhà nước đã chiếm trên 12.000 tỷ đồng.

tả heo châu Phi Khánh Hòa
Việt Nam đã chi hơn 13.200 tỷ đồng vì dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: baokhanhhoa.vn)

Truyền thông nhà nước hôm 25/6 dẫn thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết kinh phí từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và kinh phí được các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ việc phòng dịch tả lợn châu Phi, tính đến hết tháng 5/2020, đã lên tới 13.248 tỷ đồng.

Trong đó, tổng số tiền ngân sách phải chi để phòng dịch là trên 12.000 tỷ đồng, bằng khoảng 98% nhu cầu kinh phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kinh phí tiêu hủy lợn mắc bệnh,…

Bộ NN&PTNT cho biết hiện nay Trung ương còn 2.100 tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ người dân phòng dịch tả lợn châu Phi.

Nếu được duyệt, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại; và hỗ trợ 35.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực.

Đối với doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa, có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ hỗ trợ 10.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại; hỗ trợ 12.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh.

Hồi đầu năm, báo chí trong nước phản ánh công tác hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi vẫn còn nhiều bất cập như: việc tính giá hỗ trợ thay đổi theo ngày dẫn đến mức hỗ trợ không thống nhất, không đồng đều, khiến số tiền người dân nhận được giảm xuống cả trăm triệu đồng.

Hay việc cán bộ thực thi cũng có những sai sót, gây thiệt thòi cho người dân, như: cán bộ thú y lấy mẫu bệnh phẩm không kịp thời; hoặc có hộ chăn nuôi đã tiến hành tiêu hủy lợn nhiều lần mới nhận được kết quả xét nghiệm lợn dương tính; hay hộ chăn nuôi có lợn chết ở trong vùng dịch nhưng cũng không được hỗ trợ,…

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến cuối tháng 5/2020, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 4.000 con.

Minh Long