Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, ông Trương Quốc Cường cho biết Việt Nam đang cùng lúc đàm phán mua vắc-xin ngừa viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) của các công ty tại 4 nước Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, tên của công ty sản xuất vắc-xin tại Trung Quốc không được phía Bộ Y tế cung cấp. 

vac xin covid
Trong khi các loại vắc-xin ngừa COVID-19 trong nước đang thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam đang xúc tiến việc mua vắc-xin từ nước ngoài, gồm Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc). (Ảnh minh họa: Andreas Prott/Shutterstock)

Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ ngày 4/1, báo giới đề nghị Bộ Y tế cung cấp thông tin về lộ trình mua vắc-xin ngừa COVID-19 của Việt Nam như thế nào, hiện đang đàm phán với đối tác nào và khi nào lô đầu tiên về Việt Nam. Chi phí mua vắc-xin hết bao nhiêu?

Đại diện Bộ Y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang đàm phán mua vắc-xin COVID-19 với 4 nước, gồm Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Ông Cường cho biết tại Anh, Việt Nam đàm phán mua vắc-xin của Công ty AstraZeneca, tại là Mỹ là của Công ty Pfizer, tại Nga là vắc-xin của Sputnik 5 và thứ tư là vắc-xin tại Trung Quốc. Đối với phía Trung Quốc, tên công ty đối tác đang đàm phán không được ông Cường nhắc tới.

“Hiện chúng tôi đang đàm phán, và tất cả các đơn vị đều yêu cầu chúng tôi ký một biên bản bảo mật thông tin. Tuy nhiên, đến nay, có thể một số thông tin cũng đã được công khai”, ông Cường nói.

“Kết quả gần nhất chúng tôi đạt được là chúng ta đã ký với Công ty AstraZeneca của Anh. Theo đó, họ đảm bảo cho 15 triệu dân với 30 triệu liều. Theo lộ trình thì quý 1, quý 2, quý 3, quý 4 đều có vắc-xin. Với Mỹ, Công ty Pfizer cũng theo lộ trình và giai đoạn cuối cùng của hợp đồng là đến quý 4/2021. Còn riêng Nga thì chúng tôi đang đàm phán để có thể sản xuất theo chuyển giao công nghệ của Nga tại công ty trực thuộc Bộ Y tế.”

Ông Cường cho hay trong đàm phán không chỉ có những nội dung mà phóng viên đưa ra mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Hiện tại giá chênh nhau không nhiều, phụ thuộc vào điều kiện bảo quản, điều kiện thanh toán cũng như giao hàng. Tuy nhiên, ông Cường lưu ý về công tác lâm sàng.

“Các vắc-xin đang có sự chênh nhau về hiệu quả bảo vệ, thấp nhất có loại 65%, cao nhất đến 94,5%, trung bình là từ 80-90%”, ông Cường nói.

Bác sĩ: Vắc-xin Sinovac TQ có hiệu quả trên 50%, nói cũng như không

Đại diện Bộ Y tế cho biết tất cả nội dung về vắc-xin đang xin ý kiến các bộ, ngành. Liên quan đến thanh, đến vấn đề tiêm và một số nội dung khác chưa có tiền lệ đối với Việt Nam, hiện chúng tôi đang xin ý kiến bộ, ngành để báo cáo Chính phủ và nếu trong trường hợp cần thiết sẽ xin ý kiến của Bộ Chính trị.

Bộ Y tế cho hay đang xin ý kiến các bộ ngành về việc mua vắc-xin COVID-19, trong đó có những nội dung chưa có tiền lệ liên quan đến thanh toán, tiêm…

Liên quan tới vắc-xin Trung Quốc, ngày 26/12, Tân Hoa xã đưa tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thành phố Thượng Hải cho biết hiện thành phố đã liên tiếp triển khai tiêm vắc-xin phòng virus viêm phổi Vũ Hán theo chương trình sử dụng khẩn cấp.

Đối tượng tiêm chủng khẩn cấp bao gồm người hành nghề vận chuyển trong nước và quốc tế; người đi làm việc và học tập ở nước ngoài; nhân viên bến cảng biên giới; nhân viên vệ sinh y tế; nhân viên các cơ quan chính phủ, công an, cảnh sát vũ trang, chữa cháy, nhân viên cộng đồng; nhân viên ngành nước, điện, gas…

Hãng tin AFP (Pháp) ngày 30/12 dẫn bản tin cho biết hơn 1 triệu người tại Trung Quốc, bao gồm cả nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên doanh nghiệp nhà nước và công nhân có kế hoạch đi du lịch nước ngoài, đã được tiêm các loại vắc-xin chưa được phê duyệt ở Trung Quốc theo chương trình sử dụng khẩn cấp của nước này.

Tuy nhiên, cả bản tin của Tân Hoa xã và AFP đều không nêu rõ vắc-xin sử dụng trong chương trình tiêm khẩn cấp là do công ty nào sản xuất.

Được biết, hiện có 5 loại vắc-xin ở Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Hồi đầu tháng 12, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Vương quốc Bahrain lần lượt phê chuẩn vắc-xin do tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là đến ngày 30/12, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc mới “cấp phép có điều kiện” đối với vắc-xin COVID-19 do tập đoàn này phát triển. Đây cũng là vắc-xin ngừa virus corona mới đầu tiên được phê chuẩn lưu hành tại Trung Quốc.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Thượng Hải bắt đầu tiêm vắc-xin viêm phổi Vũ Hán “không rõ nguồn gốc”