Số ca COVID-19 mắc mới và bệnh nặng gia tăng trở lại, sốt xuất huyết bùng phát, cúm A phức tạp, đậu mùa khỉ có khả năng xâm nhập… khiến Việt Nam có nguy cơ dịch chồng dịch.

sot xuat huyet
Một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng phải lọc máu ở khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Về COVID-19, 7 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), gần 11 nghìn ca tử vong (0,1%). Biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron đã được ghi nhận trong nước.

Số ca mắc mới trong tuần vừa qua tăng 48% so với tuần trước đó và dự báo với các biến thể mới, số ca COVID-19 mắc mới sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại.

Về sốt xuất huyết, cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 45 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2021, số mắc tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp.

Các địa phương ghi nhận số mắc hàng tuần và tích luỹ tăng cao là: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp. Số mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Về cúm A, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 đến 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè – thu, đông – xuân.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, gần đây, số trường hợp mắc hội chứng cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Tuy nhiên số nhập viện lại gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A.

Thực tế, tại Hà Nội và nhiều địa phương, số mắc cúm A được ghi nhận ở mức cao. Trong tháng 6, Hà Nội ghi nhận gần 1.000 ca mắc cúm, tăng 60% so với tháng trước đó. Tổng cộng từ đầu năm đến nửa đầu tháng 7, Hà Nội ghi nhận hơn 2.600 ca cúm.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận tới gần 1.100 ca nghi nhiễm cúm. 35% trong số này mắc cúm A.

Trong 252 ca mắc cúm, có 1/3 phải nhập viện, chủ yếu là phụ nữ có thai, trẻ em, người có bệnh nền. Viện này cũng ghi nhận trường hợp mắc cúm bị suy hô hấp, phải thở máy chỉ sau 2 ngày có biểu hiện bệnh.

Cùng với đó, các bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt rét, sởi, dại ghi nhận số mắc giảm so với cùng kỳ 2021 nhưng đang có xu hướng gia tăng. Bệnh tay chân miệng gia tăng cục bộ tại một số địa phương; bệnh sởi ghi nhận rải rác tại một số nơi.

Ngoài ra, hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ song xuất hiện bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nhóm A khác.

Bà Đào Hồng Lan, Quyền Bộ trưởng Y tế, đánh giá “nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu”.

Bộ Y tế đưa ra 3 tình huống phòng dịch đậu mùa khỉ

Theo các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện số ca mắc đậu mùa khỉ tăng mạnh trên toàn thế giới khi chỉ trong 7 ngày có tới hơn 4.000 ca bệnh xác định được báo cáo. Tổng số ca bệnh ghi nhận đến nay là hơn 22.000 ca. Hiện 7 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Tây Thái Bình Dương như Nhật Bản, Úc, Trung Quốc/Đài Loan… đã ghi nhận 62 ca bệnh.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai, vì thế việc chuẩn bị ứng phó là cần thiết.

“Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào xâm nhập, trước tình hình dịch lây lan ở nhiều quốc gia, Bộ Y tế đã kích hoạt Văn phòng đáp ứng dịch khẩn cấp và triển khai các biện pháp phòng chống dịch”, ông Sơn nói.

Các chuyên gia của WHO và Bộ Y tế lưu ý 3 nhóm đối tượng gồm: Trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch cần theo dõi sát để cho nhập viện sớm, hạn chế nguy cơ tiến triển nặng.

Bộ Y tế hiện đang xây dựng kế hoạch ứng phó với 3 tình huống dịch: Chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam; có trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập; và dịch lây lan ra cộng đồng.

Với tình huống chưa có trường hợp bệnh, các bệnh viện cần chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất…

Trường hợp có bệnh nhân nhiễm bệnh đậu mùa khỉ cần tổ chức khu điều trị cách ly riêng; cập nhật quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh; tập huấn bổ sung cho nhân viên y tế…

Trường hợp dịch lây lan ra cộng đồng, cần mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly điều trị tại nhà; phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp; hạn chế di chuyển người bệnh…

Minh Long