Truyền thông trong nước vừa dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết trong năm 2021, Việt Nam có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tới 50%. Ngoài ra, đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng sẽ xảy ra từ ngày 9-15/2, trùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

han han song hong
Những năm gần đây, mực nước sông Hồng luôn xuống thấp vào mùa khô. (Ảnh: Ngọc Thắng/hanoimoi.com.vn)

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết từ tháng 2 đến tháng 7, nguồn nước trên các lưu vực sông ở khu vực miền Bắc thiếu hụt từ 20-50%. Trong đó, sông Thao và hạ lưu sông Lô là lưu vực thiếu hụt nguồn nước nhiều nhất.

Trong khi đó, từ nửa cuối tháng 1 đến tháng 4, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm và theo xu thế xuống dần. Phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có lưu lượng dòng chảy ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-30%.

Riêng các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Ninh Thuận và Bình Thuận, mực nước thấp hơn trung bình nhiều so với cùng kỳ từ 20-50%.

Từ tháng 5 đến tháng 7, trên thượng lưu các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt dao động. Mực nước trên các sông biến đổi chậm và dao động theo điều tiết hồ chứa.

Lưu lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều cùng kỳ từ 10-50%. Riêng các sông ở Nghệ An, Ninh Thuận và Bình Thuận thấp hơn trung bình nhiều cùng kỳ trên 50%.

“Nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ rơi vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở Trung Bộ”, ông Lâm nói.

Xâm nhập mặn gia tăng từ cuối tháng 1/2021

Theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế gia tăng từ cuối tháng 1.

Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 (từ 9-15/2, từ 26/2-2/3); trong tháng 3 (từ 12-16/3, từ 25-29/3); riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ 9-14/4, từ 24-28/4), sau giảm dần.

Dự báo phạm vi xâm nhập mặn (4g/l) sâu nhất mùa khô năm 2021 tại các cửa sông Cửu Long khoảng 50-75km, trên các sông Vàm Cỏ từ 85-95km; sông Cái lớn từ 45-52km.

Bên cạnh đó, theo nhận định của Ủy hội sông Mekong Quốc tế, tổng lượng dòng chảy trong tháng 2, từ thượng nguồn sông Mekong tại Campuchia về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, khoảng 5-15%; từ tháng 3-5, khả năng ở mức tương đương trung bình nhiều năm.

Ngoài ra, từ tháng 1 đến tháng 4/1, tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 3 đợt triều cường cao vào các ngày 13-16/1, 1-3/3; 30/3-1/4.

Mùa khô năm 2019 – 2020, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 10 trong số 13 địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long, làm hơn 25 nghìn ha cây ăn quả, hơn 17,2 nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Lúc cao điểm, hạn, mặn còn khiến khoảng 96 nghìn gia đình thiếu nước sinh hoạt.

Toàn tỉnh Bến Tre có gần 30 nghìn ha cây ăn quả, hoa màu, cây cảnh… bị ảnh hưởng, thiệt hại ước khoảng 1.600 tỷ đồng.

Tại Trà Vinh cũng chịu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tại Gia Lai, tính từ 11/3 đến 27/5/2020, tỉnh này có gần 3.000 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán; trong đó, 1.200 ha bị thiệt hại trên 70%, 1.600 ha thiệt hại từ 30-70% và 170 ha thiệt hại dưới 30%. Tổng thiệt hại ước trên 53 tỷ đồng…

Minh Long