InterNations.org vừa công bố kết quả khảo sát thường niên Expat Insider năm 2016. Đài Loan giữ vị trí đứng đầu danh sách những nơi tốt nhất để sống và làm việc dành cho người nước ngoài. Đáng chú ý là Việt Nam đứng thứ 11, tăng tới 24 bậc so với năm 2015.

Xếp hạng Expat Insider - mức độ hài lòng về môi trường sống và làm việc của các expat đối với các quốc gia trong năm 2016. (Nguồn: interNations.org)
Xếp hạng Expat Insider – mức độ hài lòng về môi trường sống và làm việc của các expat đối với các quốc gia trong năm 2016. (Nguồn: interNations.org) (Nhấn vào hình để phóng to)

Đây là xếp hạng dựa trên kết quả khảo sát đối với những expat, tức các chuyên gia của các tập đoàn, công ty được phái đến nước khác làm việc.

Xếp hạng được thực hiện đối với 67 nước và vùng lãnh thổ, dựa trên ý kiến của 14.300 người thuộc 174 quốc tịch khác nhau về môi trường mà họ đang sống và làm việc.

Các tiêu chí để đánh giá bao gồm:

  • Chất lượng cuộc sống (gồm: các lựa chọn giải trí, mức độ hạnh phúc cá nhân, du lịch và vận tải, chất lượng của hệ thống y tế, chỉ số an ninh-an toàn)
  • Khả năng dễ dàng hòa nhập cuộc sống (gồm: cảm giác được chào đón, mức độ thân thiện của người bản xứ, khả năng kết bạn, ngôn ngữ)
  • Tài chính cá nhân
  • Tiêu chí công việc (gồm: công việc&sự nghiệp, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, mức độ bảo đảm công việc)
  • Cuộc sống gia đình (gồm: chi phí giáo dục và chăm sóc trẻ em, chất lượng giáo dục, chất lượng định cư của gia đình).

Đài Loan đứng đầu trong tổng 67 quốc gia được khảo sát. Đồng thời vùng lãnh thổ này cũng giữ vị trí đứng đầu về mặt tài chính cá nhân và chất lượng cuộc sống, và vị trí thứ 2 về điều kiện làm việc. 85% người nước ngoài được hỏi hài lòng với tình hình tài chính của họ. Mức này cao hơn so với mức trung bình toàn cầu là 64%. Ngoài ra, 94% người nước ngoài làm việc tại Đài Loan đánh giá tốt đối với chất lượng của hệ thống y tế địa phương.

Trung bình cứ 10 người thì 3 người nước ngoài làm việc tại Đài Loan (34%) hoàn toàn hài lòng với công việc của họ, nhiều gấp đôi so với trung bình toàn cầu là 16%.

Ecuador từng giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng này hai năm liên tiếp trước đó. Năm nay, nước này rớt xuống vị trí thứ 3. InterNations nhận định Ecuador rớt thứ hạng chủ yếu do tiêu chí công việc (trong đó bao gồm mức độ bảo đảm công việc) giảm xuống ở vị trí thứ 50.

Theo nhóm khảo sát, nguyên nhân là do giá dầu xuất khẩu – sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Ecuador – trên thế giới bị giảm xuống thấp kỷ lục trong năm nay. Tuy nhiên, đáng chú ý là dù tình trạng khó khăn của nền kinh tế, 27% người nước ngoài sinh sống và làm việc tại đây vẫn hạnh phúc với tình hình tài chính của họ, tỷ lệ gần như gấp đôi so với trung bình toàn cầu là 15%. Nguyên nhân có thể là vì cứ 10 người nước ngoài ở Ecuador thì 4 người (tỷ lệ 41%) đã về hưu; thu nhập có thể không bị phụ thuộc vào nền kinh tế của Ecuador. Điều này cho thấy, mức độ đáng sống qua góc nhìn của các expat không hoàn toàn phản ánh tình hình kinh tế, xã hội của quốc gia đó.

Ẩm thực gia người Mỹ Anthony Bourdain tại một quán ăn vỉa hè của Việt Nam. (Ảnh minh họa/qua remezcla.com)
Ẩm thực gia người Mỹ Anthony Bourdain tại một quán ăn vỉa hè của Việt Nam. (Ảnh minh họa/qua remezcla.com)

Trong khi các quốc gia và vùng lãnh thổ hoán chuyển vị trí, thì nếu xét theo khu vực, người chiến thắng thực sự của cuộc khảo sát Expat Insider 2016 là Châu Âu: khu vực này có tới 5 quốc gia nằm trong top 10 của bảng xếp hạng tổng thể.

Ba nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới: Mỹ đứng thứ 26, Trung Quốc đứng thứ 48 và Nhật Bản đứng thứ 29 trong bảng xếp hạng tổng thể.

Việt Nam xếp thứ 11 trong xếp hạng tổng thể.

Theo đánh giá của các expat, Việt Nam đứng thứ 12 về khả năng xây dựng sự nghiệp. Tuy nhiên, đáng chú ý là mức độ bảo đảm công việc chỉ ở vị trí thứ 25, chênh 20 bậc so với đánh giá về độ hấp dẫn về công việc, sự nghiệp tại đây.

Chất lượng cuộc sống của Việt Nam không được đánh giá cao, chỉ đứng thứ 42, trong đó: lựa chọn giải trí: xếp thứ 35, mức độ hạnh phúc cá nhân: xếp thứ 8, du lịch và vận tải: xếp thứ 46, chất lượng của hệ thống y tế: xếp thứ 57, chỉ số an ninh-an toàn: xếp thứ 28.

Ngoài ra, Việt Nam không nằm trong số các quốc gia được đánh giá cao về chất lượng cuộc sống gia đình. Theo nhóm khảo sát, không phải tất cả các nước đều được coi là môi trường tích cực cho sự phát triển của trẻ nhỏ trong con mắt của các bậc cha mẹ là chuyên gia/chuyên viên cao cấp người nước ngoài.

Sau cùng, những nơi được cho là lựa chọn bất lợi đối với các chuyên viên/chuyên gia người nước ngoài nằm chủ yếu ở châu Phi và Trung Đông, với Nigeria đứng vị trí thứ 65 và Kuwait đứng vị trí thứ 67 – cuối bảng xếp hạng.

Khảo sát Expat Insider tuân theo tiêu chí: ‘The World through Expat eyes’ (Tạm dịch: Thế giới qua mắt nhìn của các chuyên gia)

Trong khảo sát Expat Insider hàng năm, InterNations hỏi ý kiến của 14.300 người nước ngoài đại diện cho 174 quốc gia và sinh sống tại 191 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những người tham gia được yêu cầu đánh giá 43 khía cạnh khác nhau của cuộc sống tại nước và vùng lãnh thổ sở tại theo thang điểm từ 1-7. Quá trình đánh giá nhấn mạnh sự hài lòng của cá nhân của người trả lời, đối với cả khía cạnh về tinh thần cũng như về công việc, sinh hoạt, của cải vật chất… đối với bản thân và gia đình.

Lê Trai

Xem thêm: