Cựu đại úy Lê Thị Hiền, người từng “náo loạn” sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), bị tuyên y án 7 năm tù về tội Cướp tài sản.

cuu dai uy le thi hien
Bị cáo Lê Thị Hiền (giữa) tại phiên tòa phúc thẩm. (Ảnh: vtc.vn)

Chiều ngày 17/5, sau nửa ngày xét xử, TAND TP. Hà Nội quyết định bác kháng cáo của bị cáo Lê Thị Hiền, cựu đại úy công an Hà Nội. Bà Hiền bị y án sơ thẩm 7 năm tù về tội “Cướp tài sản”.

Cấp phúc thẩm xác định bị cáo Hiền là cổ đông của quán Magic Lounge, đồng tình việc “dí bill” nhằm tăng doanh thu và nhân viên tại quán đã dùng cách này để cướp tài sản của 4 khách.

Ba bị cáo khác là nhân viên của quán được giảm nhẹ hình phạt. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Minh Trang (sơ thẩm 7 năm tù) bị tuyên 5 năm tù, Trần Minh Hiếu (sơ thẩm 5 năm tù) bị tuyên 3 năm 6 tháng tù, Nguyễn Phương Trang (sơ thẩm 3 năm 6 tháng tù) bị tuyên 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Đối với 12 bị cáo khác trong vụ án, HĐXX cấp phúc thẩm cũng quyết định giảm nhẹ hình phạt cho họ mỗi bị cáo 1 năm tù.

cuu dai uy le thi hien nao loan san bay
Hình ảnh cựu đại tá công an Lê Thị Hiền gây náo loạn ở sân bay Tân Sơn Nhất, hồi năm 2019. (Ảnh cắt từ clip)

Tại tòa, bị cáo Hiền cho rằng mức án tòa sơ thẩm tuyên là “quá cao, nghiêm khắc với bị cáo”. Bà Hiền cho rằng bản thân không tham gia trực tiếp vào vụ án, chỉ là cổ đông đầu tư 20% vốn vào quán bar Magic Lounge và hưởng lợi nhuận.

Bị cáo Hiền cho rằng không được cho đối chất với các bị cáo khác trong vụ án nên việc tuyên mình cướp tài sản là sai. Giải thích lý do từng nhận tội, Lê Thị Hiền nói “chấp nhận án để về chăm sóc con nhỏ”.

Theo cáo trạng, năm 2019, bị cáo Hiền góp 20% vốn, cùng Vũ Anh Hoàng và Nguyễn Đức Thăng (80% còn lại) mở quán đồ uống, bóng cười Magic Lounge trị giá 2 tỷ đồng tại phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội).

Trong đó, Hiền có nhiệm vụ quản lý hậu cần thu chi, giám sát hoạt động và đối ngoại cho các vi phạm của quán không bị cơ quan chức năng xử lý. Lợi nhuận của quán sẽ chia theo tỷ lệ góp vốn của 3 người.

Nhóm này cũng thuê Nguyễn Thị Minh Trang làm quản lý, giao doanh số phải trên 1,5 tỷ đồng/tháng và sẽ được nhận lương tương ứng từ 6 – 10% lợi nhuận thu được.

Trang sau đó tuyển nữ nhân viên để thực hiện “dí bill” nhằm tăng doanh thu. Cụ thể, nhân viên sẽ thông qua các ứng dụng hẹn hò, mạng xã hội để mời khách nam đến quán.

Khi gặp nhau, quán sẽ đưa nhiều đồ ăn, bia rượu, bóng cười lên nhưng nữ nhân viên chỉ ngồi một lát rồi lén bỏ đi. Khách nam ở lại sẽ buộc phải thanh toán số đồ được đặt trên bàn.

Đề phòng khách phản ứng, Trang lập một đội gồm các nam nhân viên làm nhiệm vụ bảo kê, uy hiếp và thậm chí đánh khách nếu họ không chịu trả tiền. Cơ quan tố tụng làm rõ có 4 vị khách bị áp dụng chiêu “dí bill”, buộc phải trả tiền. Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt là hơn 84 triệu đồng.

Điển hình, khuya ngày 31/3/2021, anh Đ. đến quán gặp một cô gái là nhân viên do quản lý của quán điều hành. Sau khi vào bàn ngồi rồi ra về, anh Đ. bị bảo vệ chặn lại, ép thanh toán hơn 35 triệu đồng phí đồ ăn, thức uống.

Khi khách từ chối, nhóm nhân viên bảo an đánh đập, nhốt anh Đ. trong phòng trên tầng 3. Bị đánh, nạn nhân buộc phải chuyển khoản số tiền trên cho quán.

Phạm Toàn