Giới chức huyện Trần Văn Thời cho hay do chịu áp lực lớn vì bị nhiều người dùng mạng xã hội xúc phạm sau vụ tiêu hủy đàn chó mèo, Trưởng Trạm Y tế xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cùng con trai đã đưa đơn xin nghỉ việc.

tieu huy dan cho meo
Một bài đăng trên trang thỉnh nguyện The Petition Site kêu gọi không giết chó, mèo tại Việt Nam trong dịch COVID-19, tới sáng 8h30 sáng 12/10 đã nhận được hơn 46.400 trên 100.000 chữ ký mục tiêu. (Ảnh chụp màn hình/thepetitionsite.com)

Ngày 11/10, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin Trưởng trạm y tế xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) và con xin nghỉ việc sau vụ tiêu hủy 16 con chó, mèo của người nhiễm virus Vũ Hán (nCoV).

Tối cùng ngày, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) xác nhận thông tin trên, truyền thông trong nước dẫn tin.

Ông Công cho hay bác sĩ Đỗ Kim Chi, Trưởng trạm Y tế xã Khánh Hưng bị quy là người quyết định tiến hành tiêu hủy đàn chó, mèo nên bị nhiều người dùng mạng chửi bới, xúc phạm…

“Gia đình chị Trưởng trạm Y tế xã Khánh Hưng bị tấn công, hăm dọa, bị áp lực và khủng hoảng tinh thần nên chị và con trai [cùng làm việc ở Trạm y tế xã Khánh Hưng] có đơn xin nghỉ việc”, ông Công nói, theo báo Thanh Niên.

Theo Tuổi Trẻ dẫn tin, ông Công cho hay 2 ngày nữa, huyện sẽ tiến hành đợt tiêm hơn 40.000 liều vắc-xin ngừa COVID-19 trên diện rộng. Việc Trưởng trạm Y tế xã xin nghỉ việc sẽ dẫn đến nhiều khó khăn. Hiện huyện đã cử người đến gặp bà Chi để động viên, đến khi xong đợt tiêm vắc-xin thì tính sau. Ông Công nói bác sĩ Chi có bệnh về tim mạch, cao huyết áp…

Ông Công khẳng định việc tiêu hủy đàn chó mèo là theo quy định về phòng ngừa dịch COVID-19. “Qua rà soát quy trình này thì phải nói thêm rằng, việc này không phải thiêu hủy theo diện động vật bị dịch bệnh, mà dựa vào các quy định về phòng, chống dịch để tiến hành thực hiện”, ông Công nói.

Trong tin đưa trên Thanh Niên, ông Công cho hay áp lực phòng ngừa dịch tại huyện hiện đang cực lớn, mọi người đều rất vất vả, mệt mỏi, còn ông cũng bị gọi điện nhắn tin khủng bố và chửi bới với lời lẽ thô tục. “Chúng tôi đã nhờ cơ quan chức năng vào cuộc, hiện đã xác định được người nhắn tin, gọi điện xúc phạm tôi”, Chủ tịch huyện Trần Văn Thời nói thêm.

Trên trang Facebook cá nhân ngày 10/10, luật sư Đặng Đình Mạnh bày tỏ quan điểm rằng huyện Trần Văn Thời cần xin lỗi, bồi thường cho người dân và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ giết vật nuôi.

Cùng ngày, từ góc độ pháp lý, luật sư Lê Văn Luân chỉ ra nếu không dựa vào căn cứ và thủ tục nào, việc đưa đàn chó của người khác đi tiêu huỷ có thể cấu thành tội (cố ý) huỷ hoại tài sản. Theo ông Luân, 15 con chó là một tài sản có giá trị, nếu được định giá, ít nhất sẽ khoảng 2 triệu đồng một con.

Sau vấn đề về hủy hoại tài sản của người khác, khía cạnh đạo đức cần được đề cập tới trong sự việc, khi giới chức huyện mang những sinh vật sống bình thường đi tiêu huỷ, ông Luân cho hay.

Vnexpress ngày 12/10 đăng ý kiến của bác sĩ Nguyễn Văn Phúc (Bệnh viện Saint Paul, Hà Nội) cho hay dù chưa có nghiên cứu khẳng định nhưng thế giới đã ghi nhận chó, mèo dương tính nCoV mang triệu chứng và có dấu hiệu về việc truyền tiếp sang người.

Trong “Hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà” do Bộ Y tế Việt Nam công bố ngày 28/8, nguy cơ vật nuôi lây nhiễm COVID-19 từ đó truyền sang người được Bộ này đưa ra dưới dạng khuyến cáo. Dù cho hay “theo CDC Mỹ, đến nay, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ động vật là thấp”, Bộ Y tế đề nghị nên cách ly vật nuôi trong thời gian người nhiễm bệnh đang cách ly.

Minh Sơn

Xem thêm: