Trong chuyến công du đến Việt Nam hôm 10/9, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ viện trợ thêm 3 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam trong năm nay, nâng tổng số vắc-xin nước này viện trợ cho Việt Nam lên 5,7 triệu liều.

trung quoc vien tro vac xin viet nam 1
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh (thứ 3 từ trái sang) và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp lần thứ 13 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: VGP)

Ngoại trưởng Vương Nghị đã đến Hà Nội ngày 10/9 và cùng với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc xét theo tiêu chí quốc gia.

Tuy vậy, thời gian gần đây đã xuất hiện vấn đề thương mại mất cân đối, hoạt động giao thương (xuất nhập khẩu) của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới bị ách tắc, tiến độ một số dự án hợp tác kinh tế, viện trợ không hoàn lại còn chậm trễ.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị sớm hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam; đẩy nhanh nâng cấp hoặc mở mới các cửa khẩu. 

Ông Phạm Bình Minh cũng mong Trung Quốc sử dụng công nghệ tiên tiến khi đầu tư vào Việt Nam; đồng thời giải quyết các khó khăn tồn tại trong một số dự án hợp tác như tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và đẩy nhanh triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc.

Liên quan đến hợp tác về công tác phòng dịch COVID-19 và về vắc-xin, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ viện trợ thêm 3 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam trong năm nay, nâng tổng số vắc-xin viện trợ của Trung Quốc lên 5,7 triệu liều. Tuy nhiên, chưa rõ 3 triệu liều vắc-xin này là vắc-xin nào.

Các đợt Trung Quốc tặng Việt Nam vắc-xin gồm: 

  • Đợt 1: 500.000 liều Sinopharm ngày 20/6.
  • Đợt 2: 200.000 liều Sinopharm tặng Quân đội Việt Nam hôm 23/8 – một ngày trước khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Hà Nội.
  • Đợt 3: Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba tuyên bố tặng Việt Nam 2 triệu liều vắc-xin hôm 24/8.
  • Đợt 4: Vương Nghị tuyên bố tặng 3 triệu liều vắc-xin (chưa rõ chủng loại).

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao hỗ trợ của Trung Quốc. 

Hiện tại, Mỹ vẫn là nước tặng vắc-xin cho Việt Nam nhiều nhất, với tổng cộng 6 triệu liều tặng trực tiếp (5 triệu liều Moderna hồi giữa tháng 7 và 1 triệu liều Pfizer đợt PTT Kamala Harris sang thăm Hà Nội).

Ngày 10/9, cùng ngày ông Vương Nghị đến Hà Nội, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện vắc-xin phòng COVID-19 có tên Hayat-Vax, trở thành loại vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 7 do Bộ này phê duyệt khẩn cấp để đưa vào tiêm đại trà.

Vắc-xin Hayat-Vax do Công ty Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd (Trung Quốc) sản xuất bán thành phẩm; được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) (thuộc Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất – UAE). Hiện vắc-xin này chưa được WHO phê duyệt và chỉ có Philippines mới phê duyệt loại này.

Việt Nam và Trung Quốc cũng đồng ý nối lại các chuyến bay thương mại khi điều kiện cho phép, tạo thuận lợi cho việc qua lại về người và hàng hóa.

Về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí kiểm soát bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982.

Theo tờ Nikkei, chuyến thăm của Vương Nghị tới Hà Nội và sau đó là Singapore nhằm khẳng định lại ảnh hưởng của Bắc Kinh sau các chuyến công du cấp cao của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tới các quốc gia này trong những tháng gần đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã đến thăm Việt Nam vào tháng Bảy, tiếp theo là bà Harris vào tháng Tám.

Tại Hà Nội và Singapore, bà Harris đã lên án Bắc Kinh tiếp tục “cưỡng ép, đe dọa và đưa ra các yêu sách đối với phần lớn Biển Đông.”

Vào tháng 10 năm ngoái và tháng 1 năm nay, Vương Nghị đã đến thăm tất cả các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ngoại trừ Việt Nam. Tuy vậy, những bước đi của Washington đối với Hà Nội dường như đã khiến chuyến đi của Ngoại trưởng Trung Quốc trở nên cấp thiết.

Lê Vy

Xem thêm: