Ngày đầu tiên triển khai văn bản số 2562/UBND-KT của UBND thành phố Hà Nội về việc siết chặt việc cấp và sử dụng “Giấy đi đường”, trong đó có việc yêu cầu phường xã xác nhận, đã bộc lộ nhiều bất cập. 

ha noi kiem tra than nhiet
Chốt kiểm tra thân nhiệt phòng, chống dịch COVID-19 tại phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm). (Ảnh: Long Quyền/hanoimoi.com.vn)

Trước đó, như Trí thức Việt Nam đã đưa tin, UBND TP Hà Nội đã ra văn bản số 2562 hỏa tốc trong tối ngày 8/8 về việc siết chặt cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố.

Cụ thể, nếu trước đi chỉ cần có “giấy đi đường” do cơ quan, đơn vị cấp, thì hiện tại cần bổ sung thêm nhiều loại giấy tờ khác, bao gồm lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, giấy đi đường phải là loại được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29/7/2021 của UBND TP và phải có thêm xác nhận của cả chính quyền nơi cơ quan, đơn vị hoạt động, tức UBND phường.

Văn bản hỏa tốc phát đi từ tối hôm trước, nên sáng hôm sau thực thi luôn đã khiến nhiều đơn vị, cá nhân “trở tay không kịp.” Phần lớn người dân không thể kịp chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Việc siết chặt kiểm tra cũng khiến nhiều chốt kiểm tra ùn ứ, gây tắc đường, không đảm bảo giãn cách 5K, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.

Điều đáng nói là, sự tham gia của phường vào quy trình xét cấp giấy đi đường đã bộc lộ rõ nhiều bất cập.

Trong ngày 9/8 cho tới tận đêm khuya, trụ sở UBND khắp các phường vẫn sáng đèn tiếp công dân đến làm thủ tục xin giấy xác nhận. Với việc Hà Nội có gần 400.000 công ty và doanh nghiệp đang hoạt động đóng trên 31 quận huyện, chỉ để xử lý một phần nhỏ số này thôi cũng đã dẫn đến tình trạng quá tải. Đó là chưa kể đến việc cán bộ nhân sự của phường nào hiện cũng đã hoạt động hết công suất với các công tác phòng, chống dịch khác.

Trên mạng xã hội, nhiều người lao động bức xúc việc thành phố đang chỉ thị giãn cách để tránh lây lan dịch, nhưng quy định mới thì lại dẫn đến việc tụ tập đông người ở trụ sở phường, xã. Chưa kể, mỗi phường lại có quy định riêng về các loại giấy tờ được nộp. Để chuẩn bị được đầy đủ các giấy tờ theo yêu cầu trong thời gian ngắn, với nhiều doanh nghiệp, công ty là điều không đơn giản.

Một danh sách điển hình của các giấy tờ mà tổ chức, doanh nghiệp, công ty phải nộp thường bao gồm 7 loại: 

  1. Giấy giới thiệu
  2. Giấy đăng ký kinh doanh
  3. Giấy phân công nhiệm vụ cấp bách hoặc người trực
  4. Danh sách phân công trực
  5. Phương án phòng chống dịch
  6. Hợp đồng lao động của từng nhân viên trong danh sách, kèm theo CCCD của từng người
  7. Giấy đi đường theo mẫu của từng người.

Một số phường còn yêu cầu nộp thêm Bảng lương, Công văn trong đó người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm về việc phân công nhiệm vụ cấp bách cho người lao động tham gia giao thông.

Đối với những công ty mà trụ sở ở tỉnh, thành phố khác (là nơi lưu con dấu hay là nơi làm việc của các lãnh đạo có chức năng ký tá), việc chuẩn bị đủ giấy tờ gặp nhiều khó khăn.

Một bình luận trên mạng chia sẻ doanh nghiệp của họ vẫn phải có người lên trực máy móc, duy trì nguồn điện và kiểm tra an ninh, PCCC, nhưng để kiếm được đủ loại giấy tờ kia thì quá khó vì con dấu thì ở TP HCM, nhiều người liên quan ở bộ phận nhân sự, hành chính, ký tá thì đều đã nghỉ ở nhà. Muốn xin thì phải “chạy quanh Hà Nội” để gom cho đủ giấy tờ, chữ ký.

Hà Nội sẽ điều chỉnh việc kiểm tra giấy đi đường “để phù hợp hơn”

Tối 9/8, trả lời báo chí về một số bất cập được nêu, ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết việc siết chặt giấy đi đường là để bảo đảm an toàn, tính mạng nhân dân.

Theo ông Quyền, lý do TP siết chặt việc kiểm soát giấy đi đường là vì thời gian qua, nhiều nơi chấp hành chưa nghiêm, trong đó không ít trường hợp không đúng đối tượng, không đúng mục đích.

“Việc kiểm tra giấy đi đường không phải để phạt người dân mà làm căn cứ để phát hiện và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội,” ông Quyền nói.

Tuy vậy, lãnh đạo TP cho hay “sẽ điều chỉnh việc kiểm tra cho thực chất và phù hợp hơn” nhưng vẫn sẽ “tiếp tục siết chặt quản lý, bảo đảm việc xác nhận và sử dụng giấy đi đường đúng mục đích, đúng đối tượng.”

Ông Quyền cũng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và linh hoạt trong việc kiểm tra, xác nhận giấy đi đường để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp.

Tuấn Minh

Xem thêm: