Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã xả lũ “chui” khiến người dân thiệt hại nặng nề (khoảng 8,7 tỷ đồng). Lãnh đạo Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long (chủ đầu tư) cho biết vì nhà máy mới đi vào hoạt động vào tháng 12/2018 nên ban điều hành nhà máy chưa có kinh nghiệm.

thuy dien su pan 1
Thủy điện Sử Pán 1. (Ảnh: FB)

Trước đó, đêm ngày 23 rạng sáng ngày 24/6, Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) thuộc Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long (trụ sở Hà Nội) đã bất ngờ xả lũ.

Lũ quét từ thượng nguồn đột ngột ập xuống xã Bản Hồ, làm sập cầu treo và ngập úng nhà ở, cuốn trôi tài sản, gây thiệt hại cho hơn 50 hộ dân. Các thôn: Bản Dền, La Ve và trụ sở UBND xã, Trạm Y tế xã Bản Hồ bị cô lập. Thống kê sơ bộ, trận lũ gây thiệt hại 8,7 tỷ đồng.

Người dân xã Bản Hồ cho biết đây là trận lũ lịch sử chưa từng xảy ra. Đặc biệt, trong sáng 24/6, cán bộ và người dân tại đây phát hiện thủy điện Sử Pán 1 có hành vi xả lũ chui.

cau treo bi sap lu ban ho
Cầu treo vào xã Bản Hồ bị lũ đánh sập. (Ảnh: giaoducthoidai)

Chiều ngày 4/7, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí về vấn đề trên.

Tại buổi họp, ông Hoàng Chí Hiền – Chánh văn phòng UBND tỉnh, người phát ngôn tỉnh Lào Cai cho hay Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long đã nhận trách nhiệm trong việc xả lũ gây thiệt hại lớn cho người dân.

Nói về nguyên nhân vụ việc, ông Nguyễn Trường Giang – Phó giám đốc Sở Công Thương Lào Cai cho biết quá trình vận hành, hoạt động của Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 chưa làm đúng quy trình.

Cụ thể, trước khi xả lũ công ty chưa có thông báo bằng văn bản hoặc các hình thức khác cho UBND tỉnh Lào Cai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, UBND huyện Sa Pa và các cơ quan liên quan để kịp thời thông báo đến người dân ở vùng hạ lưu.

Ngoài ra, đơn vị này đã tiến hành xả lũ toàn bộ 4 cửa xả, đổ một lượng nước rất lớn xuống hạ du trong đêm khiến người dân không kịp trở tay.

Sau khi làm việc với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long đã nhận trách nhiệm và cho biết vì nhà máy mới đi vào hoạt động vào tháng 12/2018 nên ban điều hành nhà máy chưa có kinh nghiệm trong xử lý các tình huống lũ lớn vào ban đêm. Đồng thời, công ty sẽ phối hợp với các ngành chức năng đánh giá những thiệt hại và có hướng khắc phục.

Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 có công suất 30 MW với 2 tổ máy, khởi công tháng 10/2016. Dự án có chiều dài đập: 149,39 m; chiều cao đập: 53,2 m; khối lượng bê tông: 97.800 m3. Công trình nằm vắt qua 3 xã là Hầu Thào, Tả Van và Bản Hồ của huyện Sa Pa.

Năm 2012, nhà máy này đã gặp khó trong chuyện cấp phép và thi công. Sau khi đi vào xây dựng, công ty này tự ý điều chỉnh quy hoạch, di chuyển lòng hồ đến sát bãi đá cổ Sa Pa (được công nhận di tích quốc gia năm 1994) và nâng độ cao lên thành 953m. Việc này đã vấp phải sự phản đối của huyện Sa Pa, Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai. Sau điều chỉnh, thủy điện này gần như phá hủy bãi đá cổ. Sau đó, Bộ VH-TT&DL đã phải vào cuộc. Sau lùm xùm, dự án nằm bất động tới tháng 12/2017 mới tái thi công và dự kiến phát điện tháng 8/2018.

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Lào Cai, năm 2018, tỉnh có 80 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã được phê duyệt với tổng công suất gần 1.200MW.

UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho 46 nhà đầu tư khảo sát, lập dự án đầu tư. Trong đó, có 44 dự án đã hoàn thành với tổng công suất lắp máy 765,6MW, 18 dự án đã khởi công thi công với tổng công suất lắp máy 246,35MW, 10 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng công suất lắp máy 110,3MW, 8 dự án đang khảo sát lập dự án với tổng công suất lắp máy 69,7MW.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết hết năm 2017, các dự án trên địa bàn đã lấy khoảng 800 ha đất rừng. Trong đó, riêng các dự án thủy điện đã chiếm tới 3/4 diện tích.

Hoàng Minh

Xem thêm: